Lưu trữ ít nhất bao nhiêu năm với hồ sơ bệnh án tai nạn lao động?
Hồ sơ bệnh án tai nạn lao động được lưu trữ ít nhất bao nhiêu năm?
Tại khoản 3 Điều 59 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định việc lưu trữ hồ sơ bệnh án, như sau:
Hồ sơ bệnh án
...
3. Việc lưu trữ hồ sơ bệnh án được quy định như sau:
a) Hồ sơ bệnh án được lưu trữ theo các cấp độ mật của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước;
b) Hồ sơ bệnh án nội trú, ngoại trú được lưu trữ ít nhất 10 năm; hồ sơ bệnh án tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt được lưu trữ ít nhất 15 năm; hồ sơ bệnh án đối với người bệnh tâm thần, người bệnh tử vong được lưu trữ ít nhất 20 năm;
c) Trường hợp lưu trữ hồ sơ bệnh án bằng bản điện tử, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có bản sao dự phòng và thực hiện theo các chế độ lưu trữ quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
Theo đó, các hồ sơ bệnh án về tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt sẽ được lưu trữ ít nhất trong vòng 15 năm.
Lưu trữ ít nhất bao nhiêu năm với hồ sơ bệnh án tai nạn lao động? (Hình từ Internet)
Hồ sơ bệnh án của bệnh nhân có được công bố không?
Căn cứ Điều 8 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định quyền được tôn trọng bí mật riêng tư, cụ thể như sau:
Quyền được tôn trọng bí mật riêng tư
1. Được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án.
2. Thông tin quy định tại khoản 1 Điều này chỉ được phép công bố khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định.
Như vậy, bệnh nhân sẽ được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án.
Chỉ được phép công bố khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định.
Công bố hồ sơ bệnh án của bệnh nhân bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo khoản 3 Điều 38 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về hành nghề và sử dụng chứng chỉ hành nghề của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
...
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Từ chối khám bệnh, chữa bệnh khi vượt quá khả năng chuyên môn hoặc trái với phạm vi hoạt động chuyên môn của người hành nghề nhưng không báo cáo với người có thẩm quyền hoặc không giới thiệu người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để giải quyết;
b) Yêu cầu người bệnh thanh toán đối với chi phí khám bệnh, chữa bệnh chưa được niêm yết công khai theo quy định của pháp luật;
c) Làm lộ tình trạng bệnh, thông tin mà người bệnh đã cung cấp và hồ sơ bệnh án, trừ trường hợp người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định;
d) Cấp giấy xác nhận quá trình thực hành không đúng mẫu theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, tại khoản 5 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau:
Quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
...
5. Mức phạt tiền được quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Với quy định này, khi cá nhân tiết lộ hồ sơ bệnh án ra bên ngoài mà không thuộc các trường hợp được phép công bố thì cá nhân đó có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Với tổ chức, mức phạt với cùng hành vi sẽ từ 2.000.000 đến 6.000.000 đồng.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài