Có được xem là tai nạn lao động đối với tai nạn khi đang đi ăn trưa tại căng tin nhà máy Bộ quốc phòng?
- Đang đi ăn trưa tại căng tin nhà máy Bộ quốc phòng mà bị tai nạn có được xem là tai nạn lao động không?
- Người lao động bị thương khi đang đi ăn trưa trong căng tin nhà máy Bộ quốc phòng sẽ được phân vào loại tai nạn lao động gì?
- Có 1 người lao động trong nhà máy Bộ quốc phòng bị thương nặng thì phải thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp nào?
Đang đi ăn trưa tại căng tin nhà máy Bộ quốc phòng mà bị tai nạn có được xem là tai nạn lao động không?
Căn cứ Điều 3 Thông tư 01/2017/TT-BQP quy định tai nạn lao động như sau:
Tai nạn lao động
Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động, bao gồm:
1. Tai nạn xảy ra trong quá trình lao động gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ như: huấn luyện, công tác, học tập, lao động sản xuất hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Bộ Quốc phòng.
2. Tai nạn xảy ra trong quá trình thực hiện công việc, nhiệm vụ khác theo sự phân công của người chỉ huy (người sử dụng lao động) hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp.
3. Tai nạn xảy ra đối với người lao động tại nơi làm việc và trong giờ làm việc kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết mà Bộ luật Lao động và nội quy của đơn vị cho phép (nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh và các hoạt động khác).
4. Tai nạn xảy ra đối với người lao động trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
5. Tai nạn xảy ra đối với người lao động trong khi thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (tham dự hội nghị, hội thảo, học tập ngắn hạn, nghiên cứu thực tế; đi làm việc, thực tập nâng cao tay nghề ở nước ngoài theo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng).
Như vậy, đối với trường hợp trên, người lao động đang đi ăn trưa tại căng tin nhà máy mà bị tai nạn do hàng hóa xếp ở xưởng đè trúng làm gãy chân thì sẽ được xem là tai nạn lao động.
Có được xem là tai nạn lao động đối với tai nạn khi đang đi ăn trưa tại căng tin nhà máy Bộ quốc phòng? (Hình từ Internet)
Người lao động bị thương khi đang đi ăn trưa trong căng tin nhà máy Bộ quốc phòng sẽ được phân vào loại tai nạn lao động gì?
Theo Điều 4 Thông tư 01/2017/TT-BQP quy định phân loại tai nạn lao động như sau:
Phân loại tai nạn lao động
Phân loại tai nạn lao động thực hiện theo quy định tại Điều 9, Nghị định số 39/2016/NĐ-CP cụ thể như sau:
1. Tai nạn lao động làm chết người lao động (sau đây gọi tắt là tai nạn lao động chết người) là tai nạn lao động mà người lao động bị chết thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Chết tại nơi xảy ra tai nạn;
b) Chết trên đường đi cấp cứu hoặc trong thời gian cấp cứu;
c) Chết trong thời gian điều trị hoặc chết do tái phát của vết thương do tai nạn lao động gây ra theo kết luận tại biên bản giám định pháp y;
d) Người lao động được tuyên bố chết theo kết luận của Tòa án đối với trường hợp mất tích.
2. Tai nạn lao động làm người lao động bị thương nặng (sau đây gọi tắt là tai nạn lao động nặng) là tai nạn lao động làm người lao động bị ít nhất một trong những chấn thương được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Tai nạn lao động làm người lao động bị thương nhẹ (sau đây gọi tắt là tai nạn lao động nhẹ) là tai nạn lao động không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.
Tại mục 04 Phụ lục I ban hành kèm Thông tư 01/2017/TT-BQP có quy định như sau:
04 | Phần chi dưới |
041 | Chấn thương ở các chi dưới gây tổn thương mạch máu, thần kinh, xương ảnh hưởng tới vận động của các chi dưới |
042 | Bị thương rộng khắp ở chi dưới |
043 | Gãy và dập xương hông, khớp hông, đùi, đầu gối, ống, cổ chân, bàn chân và các ngón |
Theo số thứ tự 043 Phụ lục I ban hành kèm Thông tư 01/2017/TT-BQP thì gãy và dập xương hông, khớp hông, đùi, đầu gối, ống, cổ chân, bàn chân và các ngón được xác định là tai nạn lao động làm người lao động bị thương nặng.
Có 1 người lao động trong nhà máy Bộ quốc phòng bị thương nặng thì phải thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp nào?
Tại Điều 6 Thông tư 01/2017/TT-BQP quy định quyết định thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động như sau:
Quyết định thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động
1. Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở (cấp sư đoàn; lữ đoàn, trung đoàn độc lập hoặc tương đương).
a) Khi nhận được tin xảy ra tai nạn lao động nhẹ hoặc tai nạn lao động làm bị thương nặng 01 người lao động thuộc thẩm quyền quản lý, chỉ huy đơn vị quyết định thành lập ngay Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo thông tư này;
b) Thành phần Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở gồm: Người chỉ huy đơn vị hoặc người được ủy quyền làm trưởng đoàn; đại diện các cơ quan: Ban chấp hành Công đoàn cơ sở (hoặc đại diện tập thể người lao động khi đơn vị chưa đủ điều kiện thành lập công đoàn cơ sở); quân y; quân huấn (tai nạn lao động xảy ra trong huấn luyện, hội thi, hội thao); người làm công tác an toàn, bảo hộ lao động của đơn vị; người làm công tác chuyên môn nghiệp vụ có liên quan đến vụ tai nạn lao động;
c) Đối với các vụ tai nạn lao động xảy ra tại nơi thuộc thẩm quyền quản lý nhưng nạn nhân là người thuộc đơn vị khác thì chỉ huy đơn vị nơi để xảy ra tai nạn lao động có trách nhiệm thành lập đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở; thành phần theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này, đồng thời mời đại diện chỉ huy đơn vị của người bị tai nạn lao động tham gia đoàn điều tra.
2. Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng (quân khu, quân đoàn, quân binh chủng, Bộ đội Biên phòng, tổng cục, học viện, nhà trường và các đơn vị khác trực thuộc Bộ Quốc phòng).
a) Khi nhận được tin xảy ra tai nạn lao động chết người hoặc làm từ 02 người bị tai nạn lao động nặng trở lên thuộc thẩm quyền quản lý, chỉ huy đơn vị (cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng) quyết định thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động theo đề nghị của Chủ nhiệm Kỹ thuật hoặc thủ trưởng cơ quan quản lý an toàn, bảo hộ lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Thành phần Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng gồm: Chỉ huy Cơ quan Kỹ thuật (hoặc cơ quan quản lý an toàn, bảo hộ lao động) của cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng làm trưởng đoàn; đại diện các cơ quan: Công đoàn, Quân y, Chính sách, Quân huấn (đối với tai nạn lao động xảy ra trong huấn luyện, hội thi, hội thao) cùng cấp và đại diện đơn vị để xảy ra tai nạn lao động (khi thấy cần thiết). Đối với những vụ tai nạn nghiêm trọng, phức tạp thì Trưởng đoàn điều tra tai nạn lao động mời đại diện Cơ quan Điều tra hình sự cùng cấp tham gia;
c) Đối với các vụ tai nạn lao động quy định tại Khoản 3 Điều 5 của Thông tư này, sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ, tài liệu quy định, chỉ huy đơn vị (cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng) quyết định thành lập đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều này, tiến hành điều tra và lập biên bản xác minh tai nạn lao động.
3. Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp Bộ Quốc phòng
a) Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật quyết định thành lập theo đề nghị của thủ trưởng Cơ quan An toàn, bảo hộ lao động quân đội theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Thành phần Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp Bộ Quốc phòng gồm đại diện các cơ quan: Cơ quan An toàn, bảo hộ lao động quân đội làm trưởng đoàn; Ban Công đoàn quốc phòng; Cục Quân y; Cục Chính sách; Cục Quân huấn (đối với tai nạn lao động xảy ra trong huấn luyện, hội thi, hội thao) và các cơ quan chức năng có liên quan của đơn vị để xảy ra tai nạn lao động (nếu xét thấy cần thiết). Đối với những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, phức tạp thì Trưởng đoàn điều tra tai nạn lao động có thể mời đại diện Cục Điều tra hình sự tham gia;
c) Đối với các vụ tai nạn lao động quy định tại Khoản 2 Điều 5 của Thông tư này, Đoàn điều tra tai nạn lao động do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có chức năng giúp Bộ Quốc phòng quản lý nhà nước về lĩnh vực đó quyết định thành lập theo đề nghị của cơ quan chức năng và thông báo cho Tổng cục Kỹ thuật để cử đại diện tham gia đoàn điều tra, đồng thời mời đại diện các cơ quan quy định tại điểm b Khoản 3 Điều này tham gia (nếu thấy cần thiết).
Theo đó, khi có 1 người lao động trong nhà máy Bộ quốc phòng bị thương nặng thì phải thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở (cấp sư đoàn; lữ đoàn, trung đoàn độc lập hoặc tương đương).
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh