Quy định về thẩm định, phê duyệt chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng công chức chuyên ngành kiểm sát?
Thẩm định, phê duyệt chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng công chức chuyên ngành kiểm sát?
Căn cứ Điều 14 Quy chế đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định 303/QĐ-VKSTC năm 2020 việc thẩm định, phê duyệt chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng công chức chuyên ngành kiểm sát được quy định như sau:
- Các chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng quy định tại khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 11 Quy chế này phải được VKSND tối cao thẩm định trước khi ban hành.
- Các chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 11 Quy chế này phải được VKSND tối cao phê duyệt trước khi đưa vào sử dụng.
- Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Ngành tổ chức thẩm định hoặc phê duyệt tài liệu bồi dưỡng khi được lãnh đạo VKSND tối cao giao.
Quy định về thẩm định, phê duyệt chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng công chức chuyên ngành kiểm sát? (Hình từ Internet)
Quy định về Hội đồng thẩm định chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng công chức chuyên ngành kiểm sát?
Căn cứ Điều 15 Quy chế đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định 303/QĐ-VKSTC năm 2020 Hội đồng thẩm định chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng công chức chuyên ngành kiểm sát được quy định như sau:
- Viện trưởng VKSND tối cao thành lập Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo, bồi dưỡng để áp dụng trong ngành Kiểm sát nhân dân.
- Người đứng đầu các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Ngành thành lập Hội đồng thẩm định tài liệu bồi dưỡng được giao biên soạn.
- Hội đồng thẩm định có 05 hoặc 07 thành viên, gồm Chủ tịch Hội đồng (Hội đồng thẩm định của VKSND tối cao do 01 đồng chí lãnh đạo VKSND tối cao làm Chủ tịch Hội đồng), Thư ký Hội đồng và 02 ủy viên kiêm phản biện và các ủy viên khác.
Các thành viên Hội đồng phải là những nhà quản lý, khoa học có kinh nghiệm, uy tín, trình độ chuyên môn phù hợp và không phải là những người trực tiếp biên soạn chương trình, tài liệu được thẩm định.
- Nhiệm vụ của các thành viên Hội đồng thẩm định, chế độ làm việc và cuộc họp của Hội đồng thẩm định thực hiện theo quy định tại Điều 23 và Điều 24 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
- Khi xét thấy cần thiết, Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu Hội đồng khoa học VKSND tối cao tham gia ý kiến trong việc thẩm định các chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng.
Chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng công chức chuyên ngành kiểm sát được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 16 Quy chế đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định 303/QĐ-VKSTC năm 2020 chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng công chức chuyên ngành kiểm sát được quy định như sau:
- Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc VKSND tối cao được quyền in, cấp chứng chỉ đối với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng được cấp có thẩm quyền giao thực hiện theo mẫu do Bộ Nội vụ ban hành.
- Chứng chỉ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chỉ được cấp 01 lần cho học viên hoàn thành khóa học; trường hợp chứng chỉ đã cấp cho học viên nhưng phát hiện sai sót do lỗi của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thì cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đó có trách nhiệm cấp lại cho học viên.
Trường hợp chứng chỉ bị mất, hư hỏng, người được cấp chứng chỉ có văn bản đề nghị thì được cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học; giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học có giá trị sử dụng như chứng chỉ bồi dưỡng.
- Chứng chỉ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chỉ được cấp cho những học viên tham gia học tập đầy đủ các nội dung quy định của chương trình đào tạo, bồi dưỡng; đủ thời gian đào tạo, bồi dưỡng theo quy định và có đủ bài thi, kiểm tra, thực hành, viết thu hoạch, tiểu luận, khóa luận...theo quy định của khóa học và phải đạt từ 05 điểm trở lên (chấm theo thang điểm 10).
- Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lập sổ quản lý việc cấp chứng chỉ theo quy định hiện hành.
- Chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng bị thu hồi trong trường hợp có sự gian lận trong việc chiêu sinh, học tập; cấp cho người không đủ điều kiện; cấp không đúng thẩm quyền; chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc để cho người khác sử dụng.
- Người có hành vi vi phạm trong việc in, cấp, quản lý và sử dụng chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
- Việc sử dụng chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và phù hợp với yêu cầu cụ thể của Ngành.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn