Bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng; thông tin, tài liệu liên quan xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế được lưu trữ như thế nào?
- Lưu trữ bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng, thông tin, tài liệu liên quan xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế ra sao?
- Nội dung thể hiện trên bản đồ hiện trạng khu vực khoáng sản khai thác bằng phương pháp lộ thiên là gì?
- Nội dung thể hiện trên bản đồ hiện trạng khu vực khoáng sản khai thác bằng phương pháp hầm lò được quy định như thế nào?
Lưu trữ bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng, thông tin, tài liệu liên quan xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế ra sao?
Căn cứ Điều 7 Thông tư 17/2020/TT-BTNMT quy định về lưu trữ bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng; thông tin, tài liệu liên quan và sổ sách, chứng từ, thông tin, số liệu để xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế như sau:
- Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải lưu trữ, bảo quản bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng;
Báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác và các thông tin, tài liệu khác theo quy định của pháp luật về lưu trữ và pháp luật liên quan;
Sổ sách, chứng từ, thông tin, số liệu để xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế dưới được lưu trữ bằng hình thức văn bản giấy và tài liệu lưu trữ điện tử, số hóa.
- Hồ sơ, tài liệu nêu trên phải được lưu giữ, bảo quản tại văn phòng nơi có hoạt động khai thác khoáng sản, đồng thời lưu trữ bản sao tại trụ sở làm việc của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.
- Các tài liệu lưu trữ ở dạng văn bản giấy bao gồm:
+) Bản đồ hiện trạng;
+) Bản vẽ mặt cắt hiện trạng;
+) Tài liệu về thông tin thay đổi chất lượng, trữ lượng khoáng sản, hình thái thân khoáng sản trong kỳ lập bản đồ hiện trạng, mặt cắt hiện trạng;
+) Báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác, trữ lượng khoáng sản còn lại;
+) Sổ sách, chứng từ, tài liệu có liên quan để xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế;
+) Báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản.
- Toàn bộ thông tin, tài liệu nêu tại khoản 3 Điều này phải được lưu trong ổ cứng máy tính hoặc các vật mang tin khác (đĩa CD, USB, ổ cứng ngoài).
Bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng; thông tin, tài liệu liên quan xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế được lưu trữ thế nào? (Hình từ Internet)
Nội dung thể hiện trên bản đồ hiện trạng khu vực khoáng sản khai thác bằng phương pháp lộ thiên là gì?
Theo Điều 8 Thông tư 17/2020/TT-BTNMT quy định về nội dung thể hiện trên bản đồ hiện trạng khu vực khoáng sản khai thác bằng phương pháp lộ thiên như sau:
- Các thông tin về trắc địa: đường bình độ, các điểm mốc trắc địa (mốc chính, điểm mốc phụ, điểm khống chế), ranh giới cấp phép khai thác, ranh giới khu vực khai thác trong kỳ cập nhật (nếu có), địa vật, hệ thống thủy văn, đường giao thông (hào mở vỉa, đường vận chuyển nội bộ mỏ,...).
- Các thông tin về địa chất: các phân vị địa tầng, các đứt gãy, nếp uốn, thế nằm của đá.
- Các thông tin về khoáng sản: ranh giới thân/vỉa khoáng sản và thế nằm; các khối trữ lượng, các công trình thăm dò và số hiệu; thông tin về khoáng sản theo giai đoạn thăm dò trước khai thác, thăm dò nâng cấp, quá trình khai thác; khoáng sản đi kèm (cập nhật tương tự như khoáng sản chính); vị trí lấy mẫu bổ sung (nếu có).
- Các thông tin về khu vực khai thác:
Các hạng mục công trình xây dựng cơ bản mỏ, ranh giới moong khai thác, đường chân tầng, đường mép tầng đang khai thác/hoặc tầng kết thúc khai thác, công trình phụ trợ, bài chứa khoáng sản, bãi đổ đất đá thải, hệ thống đường vận tải trong và ngoài mỏ tại thời điểm lập bản đồ hiện trạng quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này.
- Nội dung thể hiện trên bản đồ hiện trạng khu vực khoáng sản khai thác bằng phương pháp lộ thiên áp dụng cho cả khu vực khai thác tận thu khoáng sản và phải thực hiện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.
Nội dung thể hiện trên bản đồ hiện trạng khu vực khoáng sản khai thác bằng phương pháp hầm lò được quy định như thế nào?
Tại Điều 9 Thông tư 17/2020/TT-BTNMT quy định về nội dung thể hiện trên bản đồ hiện trạng khu vực khoáng sản khai thác bằng phương pháp hầm lò như sau:
- Các thông tin về trắc địa: đường bình độ, các điểm mốc trắc địa (mốc chính, điểm mốc phụ), điểm độ cao, ranh giới cấp phép khai thác, ranh giới khu vực khai thác trong kỳ cập nhật (nếu có), địa hình, địa vật, hệ thống thủy văn.
- Các thông tin về địa chất: các phân vị địa tầng, các đứt gãy, nếp uốn, thế nằm của đá.
- Các thông tin về khoáng sản: ranh giới thân/vỉa khoáng và thế nằm; các khối trữ lượng, các công trình thăm dò và số hiệu; thông tin về khoáng sản theo giai đoạn thăm dò trước khai thác, thăm dò nâng cấp trữ lượng trong quá trình khai thác; khoáng sản đi kèm (cập nhật tương tự như khoáng sản chính); vị trí lấy mẫu bổ sung (nếu có).
- Các thông tin về khu vực khai thác:
Các công trình xây dựng cơ bản mỏ;
Vị trí, thông số các đường lò khai thông, chuẩn bị, khai thác (giếng chính, giếng phụ, sân ga, hầm trạm, hệ thống các lò xuyên vỉa, các lò dọc vỉa vận tải, thông gió, các thượng, các đường lò chợ khai thác...), các công trình phụ trợ khác phục vụ hoạt động khai thác tại thời điểm lập bản đồ hiện trạng quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này.
Đối với các đường lò/giếng xây dựng và hoạt động trong kỳ lập bản đồ hiện trạng, mặt cắt hiện trạng phải lập bổ sung bản vẽ bình đồ, mặt cắt dọc, mặt cắt ngang hiện trạng của các đường lò, giếng đó. Bình đồ, mặt cắt phải ghi đủ các thông tin về tên, độ cao miệng lò/giếng, các điểm đường lò/giếng đổi phương...
Đối với lò/giếng nghiêng ghi giá trị góc nghiêng, có ký hiệu chỉ dẫn riêng từng loại đường lò/giếng.
- Nội dung thể hiện trên bản đồ hiện trạng quy định tại Điều này thực hiện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo