Công chức đến tuổi nghỉ hưu thì có được hưởng chế độ hưu trí nếu đang bị xử lý kỷ luật không?

Chào luật sư. Tôi là công chức nhưng do vi phạm nên tôi đang bị xử lý kỷ luật. Hiện tại tôi đã đến tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng vẫn còn trong quá trình xử lý kỷ luật. Luật sư cho tôi hỏi, công chức đang bị xử lý kỷ luật nhưng đến tuổi nghỉ hưu thì có được hưởng chế độ hưu trí không? Thời hạn xử lý kỷ luật đối với công chức là bao lâu? Nhờ luật sư giải đáp giúp tôi, tôi cảm ơn.

Công chức đang bị xử lý kỷ luật nhưng đến tuổi nghỉ hưu thì có được hưởng chế độ hưu trí không?

Tại Điều 38 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về các quy định liên quan khi xem xét xử lý kỷ luật như sau:

Các quy định liên quan khi xem xét xử lý kỷ luật
1. Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật đang trong thời gian xem xét xử lý kỷ luật hoặc đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang trong thời gian bị điều tra, truy tố, xét xử mà đến tuổi nghỉ hưu thì vẫn thực hiện giải quyết thủ tục hưởng chế độ hưu trí.
2. Trường hợp Hội đồng kỷ luật đã có văn bản kiến nghị về việc xử lý kỷ luật nhưng chưa ra quyết định kỷ luật mà phát hiện thêm các tình tiết liên quan đến vi phạm kỷ luật hoặc phát hiện cán bộ, công chức, viên chức bị xem xét xử lý kỷ luật có hành vi vi phạm pháp luật khác thì Hội đồng kỷ luật xem xét kiến nghị lại hình thức kỷ luật.
3. Việc áp dụng hình thức kỷ luật cách chức đối với công chức giữ các chức danh tư pháp được thực hiện theo quy định của Nghị định này và quy định của pháp luật chuyên ngành.

Như vậy, trường hợp bạn đến tuổi nghỉ hưu nhưng đang trong thời gian xem xét xử lý kỷ luật thì bạn vẫn được thực hiện giải quyết thủ tục hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật.

công chức

Công chức đến tuổi nghỉ hưu thì có được hưởng chế độ hưu trí nếu đang bị xử lý kỷ luật không? (Hình từ Internet)

Thời hạn xử lý kỷ luật đối với công chức là bao lâu?

Tại Điều 5 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về thời hạn xử lý kỷ luật đối với công chức như sau:

- Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức thực hiện theo Điều 80 Luật Cán bộ, công chức được sửa đổi, bổ sung tại khoản 16 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

- Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật đối với viên chức thực hiện theo Điều 53 Luật Viên chức được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

- Trường hợp vụ việc có liên quan đến nhiều người, có tang vật, phương tiện cần giám định hoặc có tình tiết phức tạp khác cần thời gian để làm rõ thêm thì cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kéo dài thời hạn xử lý kỷ luật, nhưng không quá 150 ngày.

- Không tính vào thời hạn xử lý kỷ luật đối với:

+) Thời gian chưa xem xét xử lý kỷ luật đối với các trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị định này;

+) Thời gian điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự (nếu có);

+) Thời gian thực hiện khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án về quyết định xử lý kỷ luật cho đến khi ra quyết định xử lý kỷ luật thay thế theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Các hành vi vi phạm nào công chức bị xử lý kỷ luật?

Tại Điều 6 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về các hành vi vi phạm của công chức bị xử lý kỷ luật như sau:

- Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ thì bị xem xét xử lý kỷ luật.

- Mức độ của hành vi vi phạm được xác định như sau:

+) Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại không lớn, tác động trong phạm vi nội bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

+) Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

+) Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, phạm vi tác động đến toàn xã hội, gây dư luận rất bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

+) Vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại đặc biệt lớn, phạm vi tác động sâu rộng đến toàn xã hội, gây dư luận đặc biệt bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Chế độ hưu trí bảo hiểm xã hội bắt buộc

Nguyễn Hữu Vi

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào