Trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, việc nộp hồ sơ đánh giá thực hiện nhiệm vụ ra sao?
- Nộp hồ sơ đánh giá thực hiện nhiệm vụ trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm?
- Hội đồng và tổ chuyên gia tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm?
- Trình tự, nội dung làm việc của Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm?
Nộp hồ sơ đánh giá thực hiện nhiệm vụ trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm?
Tại Điều 32 Thông tư 15/2022/TT-BKHCN (có hiệu lực từ ngày 01/12/2022) quy định về nộp hồ sơ đánh giá thực hiện nhiệm vụ trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm như sau:
- Hồ sơ đánh giá, nghiệm thu gồm 01 bộ hồ sơ gốc (có dấu và chữ ký trực tiếp), được trình bày và in trên khổ giấy A4, sử dụng phông chữ tiếng Việt của bộ mã ký tự Unicode theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6909:2001, cỡ chữ 14 và 01 bản điện tử (file định dạng PDF, không cài bảo mật).
- Cách thức nộp hồ sơ và ngày tiếp nhận hồ sơ thực hiện theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 8 Thông tư này.
- Thời hạn nộp hồ sơ, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 7 Thông tư số 11/2014/TT-BKHCN.
Trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, việc nộp hồ sơ đánh giá thực hiện nhiệm vụ ra sao? (Hình từ Internet)
Hội đồng và tổ chuyên gia tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm?
Tại Điều 33 Thông tư 15/2022/TT-BKHCN (có hiệu lực từ ngày 01/12/2022) quy định về hội đồng và tổ chuyên gia tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm như sau:
- Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định thành lập trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nhận được hồ sơ đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ đầy đủ, hợp lệ.
- Hội đồng có 07 hoặc 09 thành viên, trong đó có Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng, 02 ủy viên phản biện, 01 thư ký khoa học.
Các thành viên Hội đồng là chuyên gia về năng suất chất lượng, chuyên gia có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực của nhiệm vụ, đại diện cơ quan có liên quan, trong đó có ít nhất 01 thành viên đã tham gia hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ hoặc Hội đồng tư vấn tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ.
Cá nhân thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 9 Thông tư số 11/2014/TT-BKHCN không được tham gia Hội đồng.
- Tổ chuyên gia tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia (sau đây viết tắt là Tổ chuyên gia) được thành lập trong trường hợp nhiệm vụ có hoạt động hỗ trợ trực tiếp tại tổ chức, doanh nghiệp; có sản phẩm do kiểm được.
Tổ chuyên gia có 03 thành viên gồm các thành viên của Hội đồng do Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Hội đồng làm tổ trưởng.
Tổ chuyên gia có trách nhiệm kiểm tra, thẩm định độ tin cậy, nhận định tính xác thực các sản phẩm của nhiệm vụ; đánh giá, thẩm định thực tế kết quả triển khai hoạt động hỗ trợ tại doanh nghiệp.
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp với Tổ chuyên gia lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp để thực hiện đánh giá, thẩm định thực tế theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên hoặc trọng điểm.
Báo cáo thẩm định của Tổ chuyên gia được lập theo Mẫu D4-BCTĐSP ban hành kèm theo Thông tư này và được xác định là một trong các căn cứ để Hội đồng xem xét khi đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Trình tự, nội dung làm việc của Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm?
Tại Điều 34 Thông tư 15/2022/TT-BKHCN (có hiệu lực từ ngày 01/12/2022) quy định về trình tự, nội dung làm việc của Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm như sau:
- Phiên họp của Hội đồng chỉ tiến hành khi bảo đảm đồng thời các yêu cầu sau:
+) Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã nhận được ý kiến nhận xét bằng văn bản của 02 ủy viên phản biện và báo cáo thẩm định của Tổ chuyên gia (nếu có) ít nhất 01 ngày làm việc trước phiên họp Hội đồng;
+) Có sự tham dự của ít nhất 05 thành viên (đối với hội đồng có 07 thành viên) hoặc ít nhất 07 thành viên (đối với Hội đồng có 09 thành viên), trong đó có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch và 02 ủy viên phản biện.
Trong trường hợp vắng mặt, Chủ tịch Hội đồng ủy quyền cho Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp bằng văn bản theo Mẫu B14-GUQ ban hành kèm theo Thông tư này.
- Trình tự làm việc của Hội đồng
Hội đồng làm việc theo trình tự quy định tại khoản 5 Điều 10 Thông tư số 11/2014/TT-BKHCN.
- Phiên họp của Hội đồng tư vấn có thể thực hiện dưới hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến.
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân