Người lao động có thể yêu cầu điều tra lần đầu bệnh nghề nghiệp của người khác không?
Người lao động có thể yêu cầu điều tra lần đầu bệnh nghề nghiệp của đồng nghiệp không?
Căn cứ Điều 14 Thông tư 28/2016/TT-BYT quy định các trường hợp điều tra bệnh nghề nghiệp như sau:
Các trường hợp điều tra bệnh nghề nghiệp
1. Điều tra lần đầu bệnh nghề nghiệp áp dụng đối với các trường hợp sau:
a) Nngười lao động có yêu cầu điều tra bệnh nghề nghiệp có liên quan đến bản thân mà chưa được giải quyết chế độ theo quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động;
b) Người sử dụng lao động có yêu cầu điều tra bệnh nghề nghiệp;
c) Xảy ra nhiều trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp cấp tính hoặc nhiều người bị ốm, mắc bệnh trong cùng một thời điểm tại một cơ sở lao động;
d) Kết quả quan trắc môi trường lao động vượt giới hạn cho phép nhưng không có trường hợp người lao động được phát hiện bệnh nghề nghiệp hoặc cơ sở lao động không thực hiện quan trắc môi trường lao động và khám sức khỏe cho người lao động;
đ) Cơ quan Bảo hiểm xã hội có yêu cầu điều tra bệnh nghề nghiệp;
2. Điều tra lại bệnh nghề nghiệp áp dụng đối với các trường hợp sau:
a) Tổ chức, cá nhân có kiến nghị về kết quả điều tra bệnh nghề nghiệp;
b) Phục vụ hoạt động kiểm tra định kỳ, đột xuất của cơ quan có thẩm quyền.
3. Điều tra lần cuối bệnh nghề nghiệp áp dụng đối với trường hợp có kiến nghị của tổ chức, cá nhân đối với kết quả điều tra lại bệnh nghề nghiệp.
Như vậy, người lao động chỉ được yêu cầu điều tra lần đầu bệnh nghề nghiệp có liên quan đến bản thân mà chưa được giải quyết chế độ theo quy định của pháp luật chứ không được yêu cầu điều tra bệnh nghề nghiệp của đồng nghiệp.
Trường hợp cơ quan anh/chị có nhiều lao động mắc bệnh nghề nghiệp cấp tính hoặc nhiều người bị ốm, mắc bệnh trong cùng một thời điểm thì anh/chị có thể yêu cầu điều tra lần đầu theo quy định trên.
Người lao động có thể yêu cầu điều tra lần đầu bệnh nghề nghiệp của người khác không? (Hình từ Internet)
Đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp có được tiết lộ thông tin trong quá trình điều tra không?
Theo Điều 17 Thông tư 28/2016/TT-BYT quy định trách nhiệm của thành viên Đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp như sau:
Trách nhiệm của thành viên Đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp
1. Trưởng đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp có trách nhiệm:
a) Tổ chức, điều hành các hoạt động của đoàn điều tra, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Đoàn điều tra;
b) Tổ chức thảo luận trong đoàn để đi đến thống nhất khi các thành viên trong đoàn điều tra còn có những vấn đề chưa thống nhất. Nếu không đạt được sự thống nhất thì Trưởng đoàn quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình;
c) Công bố biên bản điều tra bệnh nghề nghiệp.
2. Các thành viên đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp có trách nhiệm:
a) Thực hiện các nhiệm vụ theo phân công của Trưởng đoàn và chịu trách nhiệm trước Trưởng đoàn về kết quả công việc mà mình được phân công;
b) Có quyền bảo lưu ý kiến. Ý kiến bảo lưu phải được ghi đầy đủ vào biên bản điều tra.
3. Không được tiết lộ các thông tin, tài liệu trong quá trình điều tra khi chưa công bố biên bản điều tra.
Theo đó, đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp không được tiết lộ các thông tin, tài liệu trong quá trình điều tra khi chưa công bố biên bản điều tra. Sau khi công bố biên bản điều tra thì đoàn điều tra có thể tiết lộ những thông tin trong quá trình điều tra bệnh nghề nghiệp.
Thời hạn điều tra bệnh nghề nghiệp là bao lâu?
Tại Điều 18 Thông tư 28/2016/TT-BYT quy định thời hạn, trình tự điều tra và công bố Biên bản điều tra như sau:
Thời hạn, trình tự điều tra và công bố Biên bản điều tra
1. Thời hạn điều tra: Không quá 45 ngày kể từ ngày quyết định thành lập đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp có hiệu lực thi hành.
2. Đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp tiến hành điều tra, lập biên bản theo trình tự sau:
a) Xem xét hiện trường cơ sở lao động;
b) Thu thập vật chứng, tài liệu có liên quan đến bệnh nghề nghiệp (thực hiện lấy mẫu về các yếu tố có hại tại nơi làm việc để phân tích, nhận định làm căn cứ xác định yếu tố gây bệnh);
c) Xem xét hồ sơ quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động, bệnh nghề nghiệp của cơ sở lao động;
d) Phỏng vấn trực tiếp người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng khác có liên quan đến công tác quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động, bệnh nghề nghiệp của cơ sở lao động;
đ) Tổ chức khám và làm xét nghiệm cần thiết đối với các trường hợp người lao động nghi ngờ mắc bệnh nghề nghiệp (nếu cần);
e) Các nội dung khác do Trưởng đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp chỉ định trong trường hợp cần thiết.
3. Công bố Biên bản điều tra bệnh nghề nghiệp:
Đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp tổ chức cuộc họp ngay sau khi hoàn thành điều tra để công bố biên bản điều tra bệnh nghề nghiệp tại cơ sở bị điều tra, thành phần cuộc họp bao gồm:
a) Trưởng đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp, chủ trì cuộc họp;
b) Các thành viên đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp;
c) Người sử dụng lao động hoặc người được ủy quyền bằng văn bản;
d) Đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời hoặc là Người được tập thể người lao động chọn cử khi cơ sở chưa có đủ điều kiện thành lập công đoàn;
đ) Người yêu cầu, người làm chứng và người có trách nhiệm, quyền lợi liên quan đến bệnh nghề nghiệp;
e) Đại diện cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của cơ sở (nếu có);
g) Lập biên bản cuộc họp với đầy đủ chữ ký của những thành viên đã tham dự họp. Trường hợp tổ chức, cá nhân yêu cầu điều tra hoặc tổ chức, cá nhân bị điều tra không đồng ý với nội dung biên bản điều tra bệnh nghề nghiệp được ghi ý kiến của mình vào biên bản điều tra, nhưng vẫn phải ký tên và đóng dấu (nếu có) vào biên bản điều tra và thực hiện các kiến nghị của đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp;
h) Đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp phải gửi biên bản điều tra bệnh nghề nghiệp và biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra bệnh nghề nghiệp tới các cơ quan thuộc thành phần đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp, cơ quan Bảo hiểm xã hội, cơ sở sử dụng lao động và các nạn nhân trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày công bố biên bản điều tra bệnh nghề nghiệp.
Như vậy, thời hạn điều tra bệnh nghề nghiệp không quá 45 ngày kể từ ngày quyết định thành lập đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp có hiệu lực thi hành.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh