Quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của khách hàng trong bảo lãnh ngân hàng?

Xin hỏi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của khách hàng trong bảo lãnh ngân hàng như thế nào? - Câu hỏi của Tuấn Anh (Đồng Nai).

Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của khách hàng trong bảo lãnh ngân hàng như thế nào?

Căn cứ Điều 18 Thông tư 11/2022/TT-NHNN (Có hiệu lực từ 01/04/2023) quy định bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của khách hàng như sau:

- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận với các bên có liên quan về việc áp dụng biện pháp bảo đảm hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm đối với nghĩa vụ hoàn trả số tiền trả thay khi phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định nguyên tắc và yêu cầu cụ thể của việc áp dụng từng biện pháp bảo đảm hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về nghiệp vụ bảo lãnh, giao dịch bảo đảm và theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

bảo lãnh ngân hàng

Quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của khách hàng trong bảo lãnh ngân hàng? (Hình từ Internet)

Phí bảo lãnh ngân hàng được quy định như thế nào?

Theo Điều 19 Thông tư 11/2022/TT-NHNN (Có hiệu lực từ 01/04/2023) quy định phí bảo lãnh như sau:

- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận mức phí bảo lãnh đối với khách hàng và các bên liên quan (nếu có). Trong trường hợp bảo lãnh đối ứng hoặc xác nhận bảo lãnh, mức phí bảo lãnh do các bên thỏa thuận.

- Trường hợp thực hiện đồng bảo lãnh, các bên tham gia đồng bảo lãnh thỏa thuận mức phí bảo lãnh cho mỗi bên đồng bảo lãnh.

- Trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo lãnh cho một nghĩa vụ liên đới thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận với từng khách hàng về mức phí phải trả trên cơ sở nghĩa vụ liên đới tương ứng của mỗi khách hàng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

- Trường hợp đồng tiền bảo lãnh là ngoại tệ, các bên thỏa thuận thu phí bảo lãnh bằng ngoại tệ hoặc quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá bán của bên bảo lãnh tại thời điểm thu phí hoặc tại thời điểm thông báo thu phí.

- Các bên có thể thỏa thuận điều chỉnh mức phí bảo lãnh.

Thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh, thỏa thuận cấp bảo lãnh ngân hàng như thế nào?

Tại Điều 20 Thông tư 11/2022/TT-NHNN (Có hiệu lực từ 01/04/2023) quy định thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh, thỏa thuận cấp bảo lãnh như sau:

- Thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh được xác định từ thời điểm phát hành cam kết bảo lãnh hoặc sau thời điểm phát hành cam kết bảo lãnh theo thỏa thuận của các bên liên quan cho đến thời điểm hết hiệu lực của nghĩa vụ bảo lãnh quy định tại Điều 23 Thông tư này.

- Thời hạn hiệu lực của thỏa thuận cấp bảo lãnh do các bên thỏa thuận nhưng tối thiểu phải bằng thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh.

- Trường hợp ngày hết hiệu lực của cam kết bảo lãnh, thỏa thuận cấp bảo lãnh trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ, tết thì ngày hết hiệu lực được chuyển sang ngày làm việc tiếp theo.

- Việc gia hạn thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh, thỏa thuận cấp bảo lãnh do các bên thỏa thuận phù hợp với quy định pháp luật liên quan.

Miễn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh ngân hàng quy định ra sao?

Theo Điều 21 Thông tư 11/2022/TT-NHNN (Có hiệu lực từ 01/04/2023) quy định miễn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh như sau:

- Trong trường hợp bên nhận bảo lãnh miễn thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh hoặc bên xác nhận bảo lãnh thì bên được bảo lãnh vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đã cam kết đối với bên nhận bảo lãnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc thực hiện nghĩa vụ liên đới theo quy định của pháp luật

- Trong trường hợp một hoặc một số thành viên đồng bảo lãnh được miễn việc thực hiện phần nghĩa vụ bảo lãnh của mình theo thỏa thuận của các bên liên quan thì các thành viên khác vin phải thực hiện phần nghĩa vụ bảo lãnh của mình theo cam kết bảo lãnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Trân trọng!

Phan Hồng Công Minh

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào