Quy định về quản lý ngoại hối trong bảo lãnh ngân hàng?
- Quy định về quản lý ngoại hối trong bảo lãnh ngân hàng như thế nào?
- Những trường hợp không được bảo lãnh ngân hàng, hạn chế bảo lãnh và thực hiện giới hạn cấp tín dụng?
- Xác định số dư bảo lãnh ngân hàng như thế nào?
- Sử dụng ngôn ngữ trong bảo lãnh ngân hàng như thế nào?
- Áp dụng tập quán và lựa chọn giải quyết tranh chấp bảo lãnh ngân hàng?
Quy định về quản lý ngoại hối trong bảo lãnh ngân hàng như thế nào?
Căn cứ Điều 4 Thông tư 11/2022/TT-NHNN quy định về quản lý ngoại hối trong bảo lãnh như sau:
1. Việc phát hành bảo lãnh bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải phù hợp với phạm vi hoạt động ngoại hối trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế được quy định tại giấy phép hoạt động của từng loại hình tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ thực hiện bảo lãnh bằng ngoại tệ cho khách hàng đối với nghĩa vụ tài chính hợp pháp bằng ngoại tệ theo quy định của pháp luật.
Theo đó, việc phát hành bảo lãnh bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải phù hợp với phạm vi hoạt động ngoại hối trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế được quy định tại giấy phép hoạt động của từng loại hình tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Quy định về quản lý ngoại hối trong bảo lãnh ngân hàng? (Hình từ Internet)
Những trường hợp không được bảo lãnh ngân hàng, hạn chế bảo lãnh và thực hiện giới hạn cấp tín dụng?
Theo Điều 5 Thông tư 11/2022/TT-NHNN quy định những trường hợp không được bảo lãnh, hạn chế bảo lãnh và thực hiện giới hạn cấp tín dụng như sau:
Khi thực hiện bảo lãnh, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) về những trường hợp không được cấp tín dụng, hạn chế cấp tín dụng, giới hạn cấp tín dụng.
Xác định số dư bảo lãnh ngân hàng như thế nào?
Tại Điều 6 Thông tư 11/2022/TT-NHNN quy định xác định số dư bảo lãnh như sau:
Xác định số dư bảo lãnh
1. Số dư bảo lãnh đối với một khách hàng hoặc một khách hàng và người có liên quan bao gồm số dư phát hành cam kết bảo lãnh, số dư phát hành cam kết bảo lãnh đối ứng, số dư phát hành cam kết xác nhận bảo lãnh cho khách hàng đó, khách hàng đó và người có liên quan.
2. Số dư bảo lãnh đối với một khách hàng hoặc một khách hàng và người có liên quan được tính từ ngày phát hành cam kết bảo lãnh.
3. Số dư bảo lãnh trong bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai được xác định theo quy định tại khoản 8 Điều 13 Thông tư này.
Như vậy, số dư bảo lãnh đối với một khách hàng hoặc một khách hàng và người có liên quan bao gồm số dư phát hành cam kết bảo lãnh, số dư phát hành cam kết bảo lãnh đối ứng, số dư phát hành cam kết xác nhận bảo lãnh cho khách hàng đó, khách hàng đó và người có liên quan.
Sử dụng ngôn ngữ trong bảo lãnh ngân hàng như thế nào?
Theo Điều 7 Thông tư 11/2022/TT-NHNN quy định sử dụng ngôn ngữ như sau:
- Thỏa thuận cấp bảo lãnh, cam kết bảo lãnh phải được lập bằng tiếng Việt, trừ các trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thỏa thuận với các bên liên quan sử dụng tiếng nước ngoài trong các trường hợp sau:
+) Giao dịch bảo lãnh thuộc các trường hợp quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo quy định tại Bộ luật Dân sự;
+) Nghĩa vụ được bảo lãnh phát sinh khi thực hiện các dự án được tài trợ vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế. Danh sách tổ chức tài chính quốc tế được quy định tại quy định của Ngân hàng Nhà nước về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
+) Nghĩa vụ được bảo lãnh phát sinh khi tham gia gói thầu quốc tế.
- Trường hợp sử dụng tiếng nước ngoài, khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, các văn bản hoặc thông điệp dữ liệu phải được dịch sang tiếng Việt có xác nhận của người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc phải được công chứng hoặc chứng thực đính kèm bản tiếng nước ngoài.
Áp dụng tập quán và lựa chọn giải quyết tranh chấp bảo lãnh ngân hàng?
Căn cứ Điều 8 Thông tư 11/2022/TT-NHNN quy định áp dụng tập quán và lựa chọn giải quyết tranh chấp như sau:
- Các bên tham gia bảo lãnh ngân hàng, bảo lãnh đối ứng, xác nhận bảo lãnh, đồng bảo lãnh được thỏa thuận áp dụng tập quán thương mại theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Các tổ chức tín dụng 2010.
- Việc xử lý tranh chấp phát sinh trong giao dịch bảo lãnh thực hiện theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật. Trường hợp bảo lãnh có yếu tố nước ngoài, các bên có thể thỏa thuận pháp luật áp dụng, cơ quan giải quyết tranh chấp (bao gồm cả tòa án hoặc trọng tài thương mại nước ngoài) để giải quyết tranh chấp về giao dịch bảo lãnh.
Thông tư 11/2022/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/04/2023.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh