Trong một ngày tài xế lái xe ô tô được phép lái xe tối đa mấy giờ? Tài xế bị phạt bao nhiêu tiền khi lái xe ô tô quá giờ làm việc quy định?
Tài xế lái xe ô tô được phép lái xe tối đa mấy giờ trong một ngày?
Tại Điều 65 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định thời gian làm việc của người lái xe ô tô như sau:
1. Thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ.
2. Người vận tải và người lái xe ô tô chịu trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này.
Như vậy, theo quy định trên tài xế lái xe ô tô trong một ngày sẽ được phép lái xe tối đa không quá 10 giờ. Công ty của bạn và bạn phải có trách nhiệm thực hiện quy định này, nếu như bạn chạy quá số giờ quy định thì sẽ bị xử phạt hành chính.
Tài xế lái xe ô tô được phép lái xe tối đa mấy giờ trong một ngày? (Hình từ Internet))
Tài xế lái xe ô tô quá giờ làm việc quy định bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo khoản 6 và khoản 8 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm b khoản 12 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người và các loại xe tương tự xe ô tô chở hành khách, chở người vi phạm quy định về vận tải đường bộ như sau:
6. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Vận chuyển hàng nguy hiểm, hàng độc hại, dễ cháy, dễ nổ hoặc động vật, hàng hóa khác có ảnh hưởng đến sức khỏe của hành khách trên xe chở hành khách;
b) Chở người trên mui xe, nóc xe, trong khoang chở hành lý của xe;
c) Hành hung hành khách;
d) Điều khiển xe ô tô quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều 65 của Luật giao thông đường bộ;
đ) Điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hành khách không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định hoặc có gắn thiết bị giám sát hành trình của xe nhưng thiết bị không hoạt động theo quy định hoặc sử dụng biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô;
e) Điều khiển xe chở hành khách liên vận quốc tế không có hoặc không gắn ký hiệu phân biệt quốc gia, phù hiệu liên vận theo quy định hoặc có nhưng đã hết giá trị sử dụng hoặc sử dụng phù hiệu không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
8. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 2, khoản 4 (trường hợp vượt trên 50% đến 100% số người quy định được phép chở của phương tiện); điểm c, điểm d, điểm e khoản 3; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm h, điểm i, điểm k, điểm l, điểm m, điểm o, điểm q khoản 5; khoản 6; điểm b khoản 7 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;
b) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 7a Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng;
c) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều này (trường hợp vượt trên 100% số người quy định được phép chở của phương tiện) bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng;
d) Thực hiện hành vi quy định tại điểm e khoản 6, điểm b khoản 7 Điều này bị tịch thu phù hiệu (biển hiệu) đã hết giá trị sử dụng hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Do đó, theo quy định trên nếu như bạn lái xe ô tô quá số giờ quy định thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoài ra, bạn còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Vận tải hành khách bằng xe ô tô được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 68 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định vận tải hành khách bằng xe ô tô như sau:
1. Người vận tải, người lái xe khách phải chấp hành các quy định sau đây:
a) Đón, trả hành khách đúng nơi quy định;
b) Không chở hành khách trên mui, trong khoang chở hành lý hoặc để hành khách đu, bám bên ngoài xe;
c) Không chở hàng nguy hiểm, hàng có mùi hôi thối hoặc động vật, hàng hóa khác có ảnh hưởng đến sức khỏe của hành khách;
d) Không chở hành khách, hành lý, hàng hóa vượt quá trọng tải, số người theo quy định;
e) Không để hàng hóa trong khoang chở hành khách; có biện pháp giữ gìn vệ sinh trong xe.
2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô.
Trên đây là những quy định về vận tải hành khách bằng xe ô tô.
Trân trọng!
Vũ Thiên Ân