Xin Giấy chứng nhận là lương y ở đâu đối với người được đặc cách đã tham gia khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền?
Người được đặc cách đã tham gia khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền xin Giấy chứng nhận là lương y ở đâu?
Căn cứ Điều 8 Thông tư 29/2015/TT-BYT quy định thẩm quyền cấp, cấp lại Giấy chứng nhận là lương y như sau:
1. Bộ trưởng Bộ Y tế ủy quyền cho Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền cấp, cấp lại Giấy chứng nhận là lương y cho đối tượng quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 1 Thông tư này.
2. Giám đốc Sở Y tế tỉnh cấp, cấp lại Giấy chứng nhận là lương y cho đối tượng quy định tại Khoản 1, 4, 5 và 6 Điều 1 Thông tư này trên địa bàn quản lý.
Tại Điều 1 Thông tư 29/2015/TT-BYT quy định đối tượng đề nghị cấp Giấy chứng nhận là lương y như sau:
1. Đối tượng đã được chuẩn hóa lương y có đủ các chứng chỉ học phần nhưng chưa được kiểm tra sát hạch theo Thông tư số 13/1999/TT-BYT ngày 06 tháng 7 năm 1999 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân thuộc lĩnh vực hành nghề y, dược cổ truyền (sau đây gọi tắt là Thông tư số 13/1999/TT-BYT) trước ngày 30 tháng 6 năm 2004.
2. Đối tượng đã được Trung ương Hội Đông y Việt Nam cấp Giấy chứng nhận là lương y chuyên sâu trước ngày 30 tháng 6 năm 2004.
3. Đối tượng đã được Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam bồi dưỡng và cấp Giấy chứng nhận đạt trình độ y sỹ cấp 2 trở lên (theo phân loại của Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam) trước ngày 30 tháng 6 năm 2004.
4. Đối tượng đã được Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Sở Y tế tỉnh) cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y, y học cổ truyền, trang thiết bị y tế tư nhân có phạm vi hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền theo quy định tại Thông tư số 07/2007/TT-BYT ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn về hành nghề y, y học cổ truyền và trang thiết bị y tế tư nhân (sau đây viết tắt là Thông tư số 07/2007/TT-BYT) nhưng không phải là bác sỹ, y sỹ y học cổ truyền và chưa được cấp Giấy chứng nhận là lương y.
5. Đối tượng đặc cách đã tham gia khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền từ đủ 30 năm trở lên.
6. Đối tượng có đủ các chứng chỉ học phần quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư này và đã đạt kết quả qua kỳ kiểm tra sát hạch cuối khóa chuẩn hóa lương y do Bộ Y tế tổ chức theo quy định tại Thông tư số 13/1999/TT-BYT nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận là lương y.
Như vậy, anh/chị được đặc cách khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền hơn 30 năm, bây giờ muốn xin Giấy chứng nhận là lương y thì sẽ phải xin ở Sở y tế tỉnh, cụ thể sẽ do Giám đốc Sở Y tế tỉnh cấp.
Người được đặc cách đã tham gia khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền xin Giấy chứng nhận là lương y ở đâu? (Hình từ Internet)
Xin Giấy chứng nhận là lương y đối với người được đặc cách đã tham gia khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền cần chuẩn bị gì?
Theo Điều 9 Thông tư 29/2015/TT-BYT quy định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận là lương y như sau:
1. Hồ sơ gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận là lương y theo mẫu quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.
b) Sơ yếu lý lịch cá nhân có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, nơi cư trú (trong thời gian không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ).
c) 02 ảnh màu cỡ 4 x 6 cm chụp trên nền trắng (trong thời gian không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ).
d) 02 phong bì có dán tem và ghi rõ họ tên, địa chỉ người nhận.
2. Đối với đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư này, ngoài hồ sơ quy định tại Khoản 1 Điều này phải bổ sung:
a) Bản sao có chứng thực các chứng chỉ học phần theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư này;
b) Giấy xác nhận quá trình thực tập khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền theo mẫu quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này;
c) Bản sao có chứng thực văn bằng về trình độ học vấn.
3. Đối với đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư này, ngoài hồ sơ quy định tại Khoản 1 Điều này phải bổ sung:
a) Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận là lương y chuyên sâu cùng bảng điểm do Trung ương Hội Đông y Việt Nam cấp theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư này;
b) Giấy xác nhận quá trình thực tập khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền theo mẫu quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này;
c) Bản sao có chứng thực văn bằng về trình độ học vấn.
4. Đối với đối tượng quy định tại Khoản 3 Điều 1 Thông tư này, ngoài hồ sơ quy định tại Khoản 1 Điều này phải bổ sung:
a) Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận có trình độ y sỹ cấp 2 do Ban Trị sự Trung ương Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam cấp;
b) Giấy xác nhận quá trình thực tập khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền theo mẫu quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này;
c) Bản sao có chứng thực văn bằng về trình độ học vấn.
5. Đối với đối tượng quy định tại Khoản 4 Điều 1 Thông tư này, ngoài hồ sơ quy định tại Khoản 1 Điều này phải bổ sung:
Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y, y học cổ truyền, trang thiết bị y tế tư nhân với phạm vi hành nghề là khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, bắt (xem) mạch, kê đơn, bốc (hốt) thuốc theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư này.
6 .Đối với đối tượng quy định tại Khoản 5 Điều 1 Thông tư này, ngoài hồ sơ quy định tại Khoản 1 Điều này phải bổ sung:
a) Bản khai quá trình hành nghề có xác nhận bằng văn bản của Trưởng Trạm y tế xã. Ngoài ra, nếu hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền hoặc phòng chẩn trị YHCT tư nhân thì bổ sung thêm xác nhận bằng văn bản của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền theo mẫu quy định tại Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư này.
b) Bản sao có chứng thực các văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận tham dự các lớp bồi dưỡng về y học cổ truyền.
7. Đối với đối tượng quy định tại Khoản 6 Điều 1 Thông tư này, ngoài hồ sơ quy định tại Khoản 1 Điều này phải bổ sung:
a) Bản sao có chứng thực các chứng chỉ học phần theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Thông tư này;
b) Bản sao có chứng thực bảng điểm kết quả kiểm tra cuối khóa do Hội đồng kiểm tra sát hạch của Bộ Y tế tổ chức theo quy định tại Thông tư số 13/1999/TT-BYT;
c) Giấy xác nhận quá trình thực tập khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền theo mẫu quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.
Theo đó, anh/chị được đặc cách khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền hơn 30 năm xin cấp Giấy chứng nhận là lương y cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm các giấy tờ trên.
Xin cấp Giấy chứng nhận là lương y có lâu không?
Tại Điều 10 Thông tư 29/2015/TT-BYT quy định thủ tục cấp Giấy chứng nhận là lương y như sau:
1. Các đối tượng quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 1 Thông tư này gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định về Bộ Y tế (Cục quản lý Y, Dược cổ truyền); các đối tượng quy định tại các khoản 1, 4, 5 và 6 Điều 1 Thông tư này gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định về Sở Y tế tỉnh nơi cư trú.
2. Trình tự giải quyết:
a) Sau khi nhận được hồ sơ, bộ phận tiếp nhận hồ sơ gửi cho người nộp hồ sơ Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo mẫu quy định tại Phụ lục số 04 ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, Bộ Y tế (Cục quản lý Y, Dược cổ truyền) hoặc Sở Y tế tỉnh phải có thông báo cho người đã nộp hồ sơ để yêu cầu bổ sung;
c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Tổ thư ký của Hội đồng kiểm tra sát hạch phải tiến hành thẩm định hồ sơ để phân loại và lập danh sách như sau:
- Phân loại đối tượng cấp Giấy chứng nhận là lương y phải qua kiểm tra sát hạch là các đối tượng quy định tại Khoản 1, 2 và 3 Điều 1 Thông tư này: lập danh sách các trường hợp đủ điều kiện và danh sách các trường hợp không đủ điều kiện dự kiểm tra sát hạch để gửi đến Hội đồng kiểm tra sát hạch;
- Phân loại đối tượng cấp Giấy chứng nhận là lương y không phải qua kiểm tra sát hạch là các đối tượng quy định tại Khoản 4, 5 và 6 Điều 1 Thông tư này: lập danh sách các trường hợp đủ điều kiện và danh sách các trường hợp không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận là lương y để gửi đến Hội đồng kiểm tra sát hạch.
d) Trong 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được danh sách của Tổ Thư ký, Hội đồng kiểm tra sát hạch phải họp để giải quyết:
- Đối với các trường hợp đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận là lương y: Hội đồng kiểm tra sát hạch gửi danh sách đến Trung ương Hội Đông y Việt Nam hoặc Hội Đông y tỉnh để xin xác nhận ý kiến đồng ý theo quy định. Sau khi có ý kiến đồng ý của Trung ương Hội Đông y hoặc Hội Đông y tỉnh, Hội đồng kiểm tra sát hạch trình Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế tỉnh cấp Giấy chứng nhận là lương y.
- Đối với các trường hợp đủ điều kiện dự kiểm tra sát hạch: Hội đồng kiểm tra sát hạch lập kế hoạch tổ chức kiểm tra sát hạch.
Trường hợp không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận là lương y hoặc không đủ điều kiện dự kiểm tra sát hạch thì Hội đồng kiểm tra sát hạch phải có văn bản thông báo lý do cho đương sự;
đ) Sau khi kiểm tra sát hạch 15 ngày, Hội đồng kiểm tra sát hạch lập danh sách các trường hợp đạt kết quả kiểm tra sát hạch và gửi danh sách đến Trung ương Hội Đông y Việt Nam hoặc Hội Đông y tỉnh để xin xác nhận ý kiến đồng ý theo quy định, đồng thời thông báo kết quả kiểm tra sát hạch cho từng đối tượng. Sau khi có ý kiến đồng ý của Hội Đông y, Hội đồng kiểm tra sát hạch trình Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế tỉnh cấp Giấy chứng nhận là lương y.
Theo đó, việc cấp Giấy chứng nhận là lương y cần phải thực hiện theo trình tự trên, có thể chậm nhất là 40 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ sẽ được cấp Giấy chứng nhận.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh