Người học cử nhân Răng Hàm Mặt ở nước ngoài phải đào tạo bổ sung khối lượng kiến thức tối thiểu bao nhiêu tín chỉ?

Xin chào ban biên tập, em học cử nhân Răng Hàm Mặt ở Mỹ, bây giờ về Việt Nam thì muốn học đào tạo bổ sung kiến thức ngành thì không biết khối lượng kiến thức đào tạo là bao nhiêu tín chỉ? Phải thi đầu vào bao nhiêu bài kiểm tra để được học đào tạo bổ sung kiến thức ngành? Xin được giải đáp.

Khối lượng kiến thức đào tạo bổ sung đối với người học cử nhân Răng Hàm Mặt ở nước ngoài tối thiểu bao nhiêu tín chỉ?

Căn cứ Điều 5 Thông tư 42/2018/TT-BYT quy định khối lượng kiến thức, thời gian và nội dung đào tạo bổ sung như sau:

1. Đối với ngành Y khoa:
Khối lượng kiến thức tối thiểu và nội dung đào tạo bổ sung là 48 tín chỉ tương ứng với 18 tháng học tập trung, trong đó:
a) Khối lượng kiến thức chuyên ngành thuộc lĩnh vực Nội, Ngoại, Sản, Nhi: 32 tín chỉ;
b) Khối lượng kiến thức chuyên khoa hệ nội: 05 tín chỉ;
c) Khối lượng kiến thức chuyên khoa hệ ngoại: 05 tín chỉ;
d) Khối lượng kiến thức y học dự phòng và y tế công cộng: 06 tín chỉ.
2. Đối với ngành Răng Hàm Mặt:
Khối lượng kiến thức tối thiểu và nội dung đào tạo bổ sung là 40 tín chỉ tương ứng với 12 tháng học tập trung, trong đó:
a) Khối lượng kiến thức Nha khoa cơ sở: 06 tín chỉ;
b) Khối lượng kiến thức Nha khoa phục hồi: 15 tín chỉ;
c) Khối lượng kiến thức Nha khoa dự phòng: 10 tín chỉ;
d) Khối lượng kiến thức Bệnh lý và phẫu thuật Miệng - Hàm mặt: 09 tín chỉ.
e) Khối lượng kiến thức tự chọn thuộc lĩnh vực chuyên ngành Răng Hàm Mặt: 10 tín chỉ
3. Đối với ngành Y học cổ truyền:
Khối lượng kiến thức tối thiểu và nội dung đào tạo bổ sung là 40 tín chỉ tương ứng với 12 tháng học tập trung, trong đó:
a) Khối lượng kiến thức về Điều dưỡng: 02 tín chỉ;
b) Khối lượng kiến thức về thực hành tiền lâm sàng: 03 tín chỉ;
c) Khối lượng kiến thức chuyên ngành thuộc lĩnh vực Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Hồi sức cấp cứu, Phục hồi chức năng: 28 tín chỉ;
d) Khối lượng kiến thức chuyên ngành về Y học cổ truyền: 07 tín chỉ.
4. Trên cơ sở khối lượng kiến thức, thời gian tối thiểu và nội dung đào tạo bổ sung quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này và chương trình đào tạo cử nhân y khoa do nước ngoài cấp kèm theo bảng điểm của người có nhu cầu đào tạo bổ sung, Thủ trưởng cơ sở đào tạo chỉ đạo xây dựng, phê duyệt, ban hành chương trình đào tạo bổ sung theo từng ngành phù hợp với đối tượng đào tạo để có đủ năng lực tương đương bác sỹ của ngành đào tạo tương ứng. Chương trình đào tạo bổ sung phải bảo đảm số tín chỉ về đào tạo thực hành lâm sàng tối thiểu 70% của tổng khối lượng kiến thức chương trình đào tạo.

Như vậy, bạn học cử nhân Răng Hàm Mặt ở nước ngoài muốn học đào tạo bổ sung thì khối lượng kiến thức tối thiểu và nội dung đào tạo bổ sung là 40 tín chỉ tương ứng với 12 tháng học tập trung phân bổ theo quy định trên.

Cử nhân

Khối lượng kiến thức đào tạo bổ sung đối với người học cử nhân Răng Hàm Mặt ở nước ngoài tối thiểu bao nhiêu tín chỉ? (Hình từ Internet)

Người học cử nhân Răng Hàm Mặt ở nước ngoài phải thi đầu vào bao nhiêu bài kiểm tra để được đào tạo bổ sung?

Theo Điều 6 Thông tư 42/2018/TT-BYT quy định kiểm tra đầu vào như sau:

1. Người có nhu cầu đào tạo bổ sung phải thực hiện 2 (hai) bài kiểm tra về kiến thức cơ sở ngành và kiến thức ngành/chuyên ngành; mỗi bài phải đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng từ 5 (năm) điểm trở lên theo thang điểm 10 mới được xét tuyển.
2. Hình thức: trắc nghiệm 90 phút hoặc tự luận 120 phút.
3. Thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định về hình thức, nội dung bài kiểm tra và thông báo công khai trước 45 ngày, kể từ khi nhận hồ sơ đăng ký đào tạo bổ sung.

Theo đó, anh/chị muốn đào tạo bổ sung thì phải thực hiện kiểm tra đầu vào bao gồm 2 bài kiểm tra về kiến thức cơ sở ngành và kiến thức ngành/chuyên ngành. Mỗi bài phải đạt từ 5 điểm trở lên theo thang điểm 10 mới được xét tuyển.

Điều kiện cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo bổ sung đối với người học cử nhân Răng Hàm Mặt ở nước ngoài?

Tại Điều 10 Thông tư 42/2018/TT-BYT quy định cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo bổ sung như sau:

1. Người học được cơ sở đào tạo cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo bổ sung khi đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Không đang trong thời gian bị cơ sở đào tạo kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên;
c) Tham gia đủ thời gian và tích lũy đủ các tín chỉ của chương trình đào tạo do cơ sở đào tạo ban hành;
d) Kết quả kiểm tra, đánh giá năng lực đầu ra đạt yêu cầu;
đ) Hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ với cơ sở đào tạo.
2. Mẫu Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo bổ sung được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Người học cử nhân Răng Hàm Mặt ở nước ngoài muốn được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo bổ sung cần phải đạt các điều kiện quy định trên.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Đào tạo bổ sung

Phan Hồng Công Minh

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào