Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông thuộc Bộ Giao thông vận tải có nhiệm vụ và quyền hạn gì?

Nhiệm vụ và quyền hạn của Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông thuộc Bộ Giao thông vận tải? Vị trí và chức năng của Vụ Pháp chế thuộc Bộ Giao thông vận tải? Nhiệm vụ và quyền hạn về công tác xây dựng pháp luật của Vụ Pháp chế thuộc Bộ Giao thông vận tải? Nhờ anh chị tư vấn, cảm ơn anh chị đã hỗ trợ.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông thuộc Bộ Giao thông vận tải?

Tại Điều 11 Quyết định 1332/QĐ-BGTVT năm 2022 có quy định về nhiệm vụ chủ trì tham mưu của Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông thuộc Bộ Giao thông vận tải như sau:

1. Hướng dẫn Cục quản lý chuyên ngành xây dựng kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức thực hiện. Chủ trì thẩm định trình Bộ trưởng phê duyệt kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông 5 năm, hằng năm và tổ chức kiểm tra việc thực hiện.
2. Chủ trì tham mưu trình Bộ trưởng:
a) Trình Chính phủ quy định việc đóng, mở cảng hàng không, sân bay, cảng biển; cảng thủy nội địa; đóng, mở, tạm dừng hoạt động của cảng cạn; hướng dẫn việc tổ chức thực hiện;
b) Trình Chính phủ quy định hoặc quy định theo thẩm quyền về phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa, công trình hàng hải, hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, bề mặt giới hạn chướng ngại vật trong khu vực sân bay;
c) Trình Chính phủ quy định hoặc quy định theo thẩm quyền việc phân loại, đặt tên số hiệu đường bộ;
d) Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc mở cảng hàng không, sân bay;
đ) Trình Thủ tướng Chính phủ công bố danh mục phân loại cảng biển;
e) Công bố công khai các bề mặt giới hạn chướng ngại vật hàng không;
g) Quyết định việc tạm thời đóng, mở lại cảng hàng không, sân bay; đóng, mở cảng biển; đóng, mở, tạm dừng hoạt động cảng cạn; quyết định công bố, điều chỉnh hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia; quy định việc đăng ký và cấp Giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay; kiểm tra việc tổ chức thực hiện;
h) Quy định việc đóng, mở ga đường sắt, tuyến đường sắt quốc gia, luồng hàng hải, tuyến đường thủy nội địa, cảng, bến thủy nội địa có phương tiện thủy nước ngoài ra, vào;
i) Quy định chi tiết về quản lý hoạt động của hệ thống báo hiệu hàng hải, thông báo hàng hải thuộc thẩm quyền của Bộ; chỉ đạo việc tổ chức xây dựng, phát hành hải đồ vùng nước cảng biển và luồng hàng hải;
k) Ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và quy định việc quản lý kết cấu hạ tầng giao thông theo thẩm quyền; quy định việc bảo trì, quản lý sử dụng, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông trong phạm vi cả nước; chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức bảo trì, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mạng lưới công trình giao thông đang khai thác do Bộ quản lý;
l) Quy định chế độ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm quy định về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đang khai thác;
m) Quy định phạm vi quản lý kết cấu hạ tầng giao thông của Cục quản lý chuyên ngành và cơ quan, đơn vị có liên quan (trừ việc công bố vùng nước cảng biển và khu vực quản lý của cảng vụ hàng hải);
n) Quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ, ngừng khai thác công trình giao thông bị xuống cấp có nguy cơ dẫn đến sự cố nguy hiểm hoặc vi phạm nghiêm trọng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng công trình đang khai thác;
o) Quyết định việc đấu nối đường ngang giữa đường bộ với đường sắt, giữa đường khác với quốc lộ và việc xây dựng đường gom đối với công trình đường bộ đang khai thác;
p) Quyết định phân loại, điều chỉnh hệ thống quốc lộ;
q) Lựa chọn đơn vị quản lý khai thác, bảo trì các công trình kết cấu hạ tầng giao thông;
r) Chấp thuận đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cảng biển tạm thời.
3. Tham mưu giúp Bộ trưởng trong công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
4. Theo dõi, tổng hợp hiện trạng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
5. Là đầu mối của Bộ để phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đang khai thác.
6. Chủ trì hoặc phối hợp thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông theo phân công của Bộ trưởng.
7. Chủ trì hoặc phối hợp giải quyết tranh chấp liên quan đến việc quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông thuộc thẩm quyền của Bộ.
8. Phối hợp với Vụ Tài chính trong việc phân bổ kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; phối hợp với Vụ Kế hoạch - Đầu tư trong việc phê duyệt dự án đầu tư, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông.
9. Phối hợp với Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường cao tốc Việt Nam đàm phán, thương thảo hợp đồng dự án theo phương thức đối tác công tư liên quan đến công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.
10. Phối hợp với Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường cao tốc Việt Nam thẩm định để Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền dự án đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư.
11. Công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải:
a) Chủ trì tham mưu trình Bộ trưởng ban hành văn bản quy định về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải;
b) Chủ trì tham mưu trình Bộ trưởng, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của Bộ trong công tác phòng chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật. Là cơ quan thường trực thực hiện nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ; thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thường trực ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định;
c) Hướng dẫn, kiểm tra Cục quản lý chuyên ngành trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống lụt bão; tìm kiếm cứu nạn; phòng cháy, chữa cháy trong giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không;
d) Chủ trì hoặc phối hợp với tổ chức, cơ quan, đơn vị có liên quan tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
đ) Chủ trì lập kế hoạch ngân sách nhà nước cho các cơ quan, đơn vị về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; giao nhiệm vụ và kinh phí cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thực hiện công tác đột xuất về tìm kiếm cứu nạn, ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa theo quy định;
e) Tham gia xây dựng và ký kết các điều ước quốc tế về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
12. Công tác thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông theo quy định của pháp luật:
a) Chủ trì thẩm định, tham mưu trình Bộ trưởng phê duyệt Báo cáo thẩm tra an toàn giao thông giai đoạn trước khi nghiệm thu đưa công trình vào khai thác và giai đoạn công trình đường bộ đang khai thác theo thẩm quyền của Bộ;
b) Phối hợp với Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường cao tốc Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ: thẩm định đề cương, dự toán gói thầu thẩm tra an toàn giao thông giai đoạn trước khi nghiệm thu đưa công trình vào khai thác và các nhiệm vụ khác có liên quan; thẩm định an toàn giao thông giai đoạn thiết kế kỹ thuật (đối với dự án thiết kế 3 bước) hoặc thiết kế bản vẽ thi công (đối với dự án thiết kế 2 bước);
c) Hướng dẫn Cục quản lý chuyên ngành xây dựng kế hoạch xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông. Chủ trì thẩm định trình Bộ trưởng phê duyệt kế hoạch xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông hàng năm và tổ chức kiểm tra việc thực hiện;
d) Thực hiện tham mưu về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện trên các lĩnh vực.
13. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông thuộc Bộ Giao thông vận tải được thực hiện theo quy định cụ thể tại Điều 11 Quyết định 1332/QĐ-BGTVT năm 2022.

Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông thuộc Bộ Giao thông vận tải

Nhiệm vụ và quyền hạn của Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông thuộc Bộ Giao thông vận tải? (Hình từ Internet)

Vị trí và chức năng của Vụ Pháp chế thuộc Bộ Giao thông vận tải?

Tại Điều 12 Quyết định 1332/QĐ-BGTVT năm 2022 có quy định về vị trí và chức năng của Vụ Pháp chế thuộc Bộ Giao thông vận tải như sau:

Vụ Pháp chế là tổ chức tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải, bao gồm tổ chức thực hiện công tác: Xây dựng pháp luật; rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật, bồi thường nhà nước trong ngành Giao thông vận tải; pháp điển hóa văn bản quy phạm pháp luật; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông vận tải.


Nhiệm vụ và quyền hạn về công tác xây dựng pháp luật của Vụ Pháp chế thuộc Bộ Giao thông vận tải?

Tại khoản 1 Điều 13 Quyết định 1332/QĐ-BGTVT năm 2022 có quy định về nhiệm vụ và quyền hạn về công tác xây dựng pháp luật của Vụ Pháp chế thuộc Bộ Giao thông vận tải như sau:

1. Về công tác xây dựng pháp luật:
a) Chủ trì xây dựng dự kiến chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về giao thông vận tải để Bộ trưởng quyết định hoặc trình Chính phủ quyết định; theo dõi, tổng hợp, kiểm tra, báo cáo việc thực hiện chương trình;
b) Chủ trì tổ chức xây dựng các dự án luật, pháp lệnh về giao thông vận tải theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
c) Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về giao thông vận tải để Bộ trưởng ban hành hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành theo phân công của Bộ trưởng;
d) Chủ trì tham mưu trình Bộ trưởng ban hành văn bản quy phạm pháp luật về công bố vùng nước cảng biển và khu vực quản lý của cảng vụ hàng hải, tuyến hoa tiêu hàng hải; tổ chức việc thực hiện;
đ) Tham gia xây dựng cơ chế, chính sách để quản lý, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hoạt động vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, vận tải hành khách công cộng và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;
e) Thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan, tổ chức thuộc Bộ xây dựng trước khi Bộ trưởng trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và các dự thảo điều ước, thỏa thuận quốc tế bằng tiếng Việt do các cơ quan, tổ chức thuộc Bộ soạn thảo trước khi trình Bộ trưởng ký kết, gia nhập hoặc Bộ trưởng trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết, gia nhập;
g) Tham gia ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước gửi xin ý kiến Bộ theo phân công của Bộ trưởng.

Trân trọng!

Huỳnh Minh Hân

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào