Việc trả lại giấy phép, chấm dứt hiệu lực của giấy phép và cấp lại giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước được thực hiện ra sao?

Quy định về trả lại giấy phép, chấm dứt hiệu lực của giấy phép và cấp lại giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước ra sao? Thẩm quyền cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ hiệu lực, thu hồi và cấp lại giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước được quy định như thế nào? Cơ quan tiếp nhận và quản lý hồ sơ, giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước là gì? Hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép thăm dò nước dưới đất được quy định như thế nào? Nhờ ban biên tập giải đáp giúp tôi, tôi cảm ơn.

Quy định về trả lại giấy phép, chấm dứt hiệu lực của giấy phép và cấp lại giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước ra sao?

Tại Điều 26 Nghị định 201/2013/NĐ-CP quy định về trả lại giấy phép, chấm dứt hiệu lực của giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước như sau:

1. Giấy phép tài nguyên nước đã được cấp nhưng chủ giấy phép không sử dụng hoặc không có nhu cầu sử dụng tiếp thì có quyền trả lại cho cơ quan cấp giấy phép và thông báo lý do.
2. Giấy phép bị chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp sau đây:
a) Giấy phép bị thu hồi;
b) Giấy phép đã hết hạn;
c) Giấy phép đã được trả lại.
3. Khi giấy phép bị chấm dứt hiệu lực thì các quyền liên quan đến giấy phép cũng chấm dứt.

Tại Điều 27 Nghị định 201/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm đ khoản 1 Điều 167 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định về cấp lại giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước như sau:

1. Giấy phép được cấp lại trong các trường hợp sau đây:
a) Giấy phép bị mất, bị rách nát, hư hỏng;
b) Tên của chủ giấy phép đã được cấp bị thay đổi do nhận chuyển nhượng, sáp nhập, chia tách, cơ cấu lại tổ chức làm thay đổi chủ quản lý, vận hành công trình thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước nhưng không có sự thay đổi các nội dung khác của giấy phép.
2. Thời hạn ghi trong giấy phép được cấp lại là thời hạn còn lại theo giấy phép đã được cấp trước đó.

Theo đó, giấy phép tài nguyên nước đã được cấp nhưng chủ giấy phép không sử dụng hoặc không có nhu cầu sử dụng tiếp thì có quyền trả lại cho cơ quan cấp giấy phép và thông báo lý do.

Giấy phép bị chấm dứt hiệu lực trong trường hợp giấy phép bị thu hồi; đã hết hạn hoặc giấy phép đã được trả lại.

tài nguyên nước

Quy định về trả lại giấy phép, chấm dứt hiệu lực của giấy phép và cấp lại giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước ra sao? (Hình từ Internet)

Thẩm quyền cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ hiệu lực, thu hồi và cấp lại giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước được quy định như thế nào?

Tại Điều 28 Nghị định 201/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm e khoản 1 Điều 167 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định về thẩm quyền cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ hiệu lực, thu hồi và cấp lại giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước như sau:

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ hiệu lực, thu hồi và cấp lại giấy phép đối với các trường hợp sau đây:
a) Khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với các công trình quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ;
b) Thăm dò, khai thác nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên;
c) Khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng từ 2 m3/giây trở lên;
d) Khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy từ 2.000 kw trở lên;
đ) Khai thác, sử dụng nước mặt cho các mục đích khác với lưu lượng từ 50.000 m3/ngày đêm trở lên;
e) Khai thác, sử dụng nước biển cho mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với lưu lượng từ 100.000 m3/ngày đêm trở lên;
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ hiệu lực, thu hồi và cấp lại giấy phép đối với các trường hợp không quy định tại Khoản 1 Điều này.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ hiệu lực, thu hồi và cấp lại giấy phép trong trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với các công trình quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ;

Khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy từ 2.000 kw trở lên...

Cơ quan tiếp nhận và quản lý hồ sơ, giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước là gì?

Tại Điều 29 Nghị định 201/2013/NĐ-CP quy định về cơ quan tiếp nhận và quản lý hồ sơ, giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước như sau:

Cơ quan tiếp nhận và quản lý hồ sơ, giấy phép (sau đây gọi chung là cơ quan tiếp nhận hồ sơ) bao gồm:
1. Cục Quản lý tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tiếp nhận, thẩm định và quản lý hồ sơ, giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tiếp nhận, thẩm định và quản lý hồ sơ, giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Vậy, cục Quản lý tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tiếp nhận, thẩm định và quản lý hồ sơ, giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tiếp nhận, thẩm định và quản lý hồ sơ, giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép thăm dò nước dưới đất được quy định như thế nào?

Tại Điều 30 Nghị định 201/2013/NĐ-CP quy định về hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép thăm dò nước dưới đất như sau:

1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thăm dò nước dưới đất bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép;
b) Đề án thăm dò nước dưới đất đối với công trình có quy mô từ 200 m3/ngày đêm trở lên; thiết kế giếng thăm dò đối với công trình có quy mô nhỏ hơn 200 m3/ngày đêm.
2. Hồ sơ đề nghị gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép thăm dò nước dưới đất bao gồm:
a) Đơn đề nghị gia hạn hoặc điều chỉnh nội dung giấy phép;
b) Báo cáo tình hình thực hiện các quy định trong giấy phép;
c) Bản sao giấy phép đã được cấp.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định mẫu đơn, nội dung đề án, nội dung báo cáo quy định tại Điều này.

Theo đó, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thăm dò nước dưới đất bao gồm:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép;

- Đề án thăm dò nước dưới đất đối với công trình có quy mô từ 200 m3/ngày đêm trở lên; thiết kế giếng thăm dò đối với công trình có quy mô nhỏ hơn 200 m3/ngày đêm.


Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Sử dụng tài nguyên nước

Nguyễn Hữu Vi

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào