Đặt tên văn phòng công chứng theo tên địa danh có được không?
Văn phòng công chứng có được đặt tên theo tên địa danh không?
Theo khoản 3 Điều 22 Luật Công chứng 2014 quy định về đặt tên Văn phòng công chứng như sau:
Tên gọi của Văn phòng công chứng phải bao gồm cụm từ “Văn phòng công chứng” kèm theo họ tên của Trưởng Văn phòng hoặc họ tên của một công chứng viên hợp danh khác của Văn phòng công chứng do các công chứng viên hợp danh thỏa thuận, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác, không được vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Bạn không thể đặt tên Văn phòng công chứng theo tên địa danh được. Tên Văn phòng công chứng phải được đặt theo quy định: “ Văn phòng công chứng + theo họ tên của Trưởng Văn phòng hoặc họ tên của một công chứng viên hợp danh.”
Đặt tên văn phòng công chứng theo tên địa danh có được không? (Hình từ Internet)
Người đã từng làm thẩm phán có phải học lớp đào tạo nghề công chứng không?
Căn cứ khoản 1 Điều 10 Luật Công chứng 2014 quy định những người sau đây được miễn đào tạo nghề công chứng:
- Người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên;
- Luật sư đã hành nghề từ 05 năm trở lên;
- Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật;
- Người đã là thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.
Căn cứ quy định trên và thông tin bạn cung cấp thì bạn đã từng làm thẩm phán được 05 năm, nên bạn sẽ được miễn đào tạo nghề công chứng. Tuy nhiên, bạn sẽ phải tham gia khóa bồi dưỡng kỹ năng hành nghề công chứng và quy tắc đạo đức hành nghề công chứng tại cơ sở đào tạo nghề công chứng trước khi đề nghị bổ nhiệm công chứng viên.
Người có điều kiện gì sẽ được nhận chuyển nhượng văn phòng công chứng?
Theo khoản 1, khoản 2 Điều 29 Luật Công chứng 2014 quy định:
- Văn phòng công chứng được chuyển nhượng cho các công chứng viên khác đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này. Văn phòng công chứng chỉ được chuyển nhượng khi đã hoạt động công chứng được ít nhất là 02 năm.
- Công chứng viên đã chuyển nhượng Văn phòng công chứng không được phép tham gia thành lập Văn phòng công chứng mới trong thời hạn 05 năm kể từ ngày chuyển nhượng.
- Công chứng viên nhận chuyển nhượng Văn phòng công chứng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên đối với người dự kiến sẽ tiếp quản vị trí Trưởng Văn phòng công chứng;
+ Cam kết hành nghề tại Văn phòng công chứng mà mình nhận chuyển nhượng;
+ Cam kết kế thừa quyền và nghĩa vụ của Văn phòng công chứng được chuyển nhượng.
Khi nhận chuyển nhượng Văn phòng công chứng, bạn phải hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên và Văn phòng công chứng được phép chuyển nhượng phải hoạt động ít nhất là 02 năm.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài