Đất có tài sản bảo đảm trên đất ngân hàng có được thuê lại không?
Thuê lại đất có tài sản bảo đảm trên đất ngân hàng có được thuê lại không?
Theo thông tin chị cung cấp, chúng tôi hiểu rằng bên thuê đất có hợp đồng vay vốn tại ngân hàng và thế chấp bằng nhà xưởng gắn liền trên đất và máy móc thiết bị, hàng tồn kho để bảo đảm cho nghĩa vụ thanh toán tiền vay và ở thời điểm hiện tại, bên vay đang vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng vay vốn nên bên ngân hàng muốn xử lý tài sản thế chấp.
Căn cứ quy định tại khoản 7 Điều 323 Bộ luật dân sự 2015 và Điều 299 Bộ luật dân sự 2015 thì:
Bên nhận thế chấp được quyền xử lý tài sản thế chấp khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ hoặc các bên có thỏa thuận.
Theo quy định này, trường hợp đến hạn trả tiền mà bên vay không thực hiện nghĩa vụ thanh toán thì ngân hàng được quyền xử lý tài sản thế chấp là nhà xưởng gắn liền trên đất và máy móc thiết bị, hàng tồn kho theo phương thức đã thỏa thuận tại hợp đồng thế chấp nhưng trước khi xử lý tài sản bảo đảm, ngân hàng phải thông báo bằng văn bản trong một thời hạn hợp lý cho bên thế chấp biết.
Còn vấn đề trong thời gian thu giữ tài sản, ngân hàng có được quyền thuê lại đất hay không thì đây là một giao dịch hoàn toàn độc lập giữa ngân hàng và bên thuê đất so với giao dịch thế chấp nêu trên.
Việc ngân hàng muốn thuê đất thì phải thỏa thuận với bên thuê đất vì bản chất đây cũng là một giao dịch dân sự thuê lại tài sản thông thường theo quy định tại Mục 5 Chương XVI Bộ luật dân sự 2015 và Điều 475 Bộ luật dân sự 2015 ghi nhận: Bên thuê có quyền cho thuê lại tài sản mà mình đã thuê, nếu được bên cho thuê đồng ý.
Do vậy, pháp luật ghi nhận sự thỏa thuận giữa các bên. Nếu bên có đất cho thuê đồng ý việc bên thuê đất được quyền cho ngân hàng thuê lại đất thì ngân hàng và bên thuê đất hoàn toàn được xác lập giao dịch thuê đất.
Đất có tài sản bảo đảm trên đất ngân hàng có được thuê lại không? (Hình từ Internet)
Ô tô đang bị thế chấp cho ngân hàng có được cho thuê không?
Theo khoản 6 Điều 321 Bộ luật dân sự 2015 có quy định một trong các quyền của bên thế chấp như sau:
Được cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp nhưng phải thông báo cho bên thuê, bên mượn biết về việc tài sản cho thuê, cho mượn đang được dùng để thế chấp và phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết.
Vì vậy, xe ô tô của bạn tuy đang được thế chấp tại ngân hàng nhưng vẫn có thể đem cho thuê được bằng hợp đồng cho thuê tài sản. Bạn phải thông báo cho bên thuê biết về ô tô đang bị thế chấp và phải thông báo cho bên nhận thế chấp (ngân hàng) biết.
Có được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng cho con 10 tuổi không?
Theo khoản 6 Điều 1 Thông tư 02/2019/TT-NHNN quy định về đối tượng mở tài khoản thanh toán bao gồm:
- Cá nhân mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm:
+ Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;
+ Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự;
+ Người chưa đủ 15 tuổi, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người đại diện theo pháp luật;
+ Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người giám hộ.
- Tổ chức được thành lập, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam bao gồm: tổ chức là pháp nhân, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh và các tổ chức khác được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Mà theo khoản 1 Điều 136 Bộ luật dân sự 2015 thì cha, mẹ đối là người đại diện theo pháp luật đối với con chưa thành niên.
Trường hợp con bạn 10 tuổi được mở tài khoản thanh toán thông qua người đại diện theo pháp luật (là cha, mẹ).
Về việc mở tài khoản ở ngân hàng nào sẽ có lợi hơn, bạn có thể liên hệ trực tiếp đến các ngân hàng để tham khảo và tìm hiểu thêm.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài