Sản xuất, mua bán xăng giả bị xử lý hình sự ra sao?

Mức xử lý hình sự cao nhất của tội sản xuất, mua bán xăng giả? Sản xuất xăng giả bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền? Kinh doanh xăng dầu bao gồm những hoạt động nào? Xin chào ban biên tập, gần đây em có thấy đang rầm rộ xét xử vụ đường dây xăng giả của TS, theo báo đăng thì ông TS thuê kho bãi, nhân công thực hiện pha chế xăng giả số lượng lớn, tôi có thắc mắc là nếu mà hành vi này bị xử phạt hành chính thì sẽ bị xử phạt bao nhiêu? Đối với mức hình sự thì có mức xử phạt có cao không?

Mức xử lý hình sự cao nhất của tội sản xuất, mua bán xăng giả?

Căn cứ Điều 192 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tội sản xuất, buôn bán hàng giả như sau:

Tội sản xuất, buôn bán hàng giả
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Làm chết người;
h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
l) Buôn bán qua biên giới;
m) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết 02 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Đối với ông TS thực hiện hành vi sản xuất, mua bán xăng giả thì mức truy cứu trách nhiệm hình sự cao nhất là phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Ngoài ra, ông TS còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đối với mức phạt còn phải căn cứ vào hành vi phạm tội, mức độ lỗi, mức độ thiệt hai,... để Tòa án làm căn cứ đưa ra quyết định.

Sản xuất, mua bán xăng giả bị xử lý hình sự ra sao?

Sản xuất, mua bán xăng giả bị xử lý hình sự ra sao? (Hình từ Internet)

Sản xuất xăng giả bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền?

Theo Điều 28 Nghị định 99/2020/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm quy định về pha chế xăng dầu như sau:

Hành vi vi phạm quy định về pha chế xăng dầu
1. Phạt tiền từ 40.000 000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Thương nhân đầu mối thực hiện pha chế xăng dầu nhưng không đăng ký cơ sở pha chế theo quy định;
b) Thực hiện pha chế xăng dầu tại địa điểm không phải nơi sản xuất, xưởng pha chế hoặc kho xăng dầu phục vụ cho nhu cầu nội địa của thương nhân đầu mối.
2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu thực hiện pha chế các sản phẩm xăng dầu không có phòng thử nghiệm đủ năng lực để kiểm tra chất lượng xăng dầu theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo quy định.
3. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi pha chế xăng dầu khi không phải là thương nhân đầu mối.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 và 3 Điều này;
b) Tịch thu phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;
c) Đình chỉ hoạt động pha chế xăng dầu từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

Hành vi pha sản xuất xăng giả có thể bị xử phạt hành chính từ 40.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng tùy thuộc vào từng trường hợp. Ngoài ra còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật vi phạm, tịch thu phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính, đình chỉ hoạt động pha chế xăng dầu từ 01 tháng đến 03 tháng.

Kinh doanh xăng dầu bao gồm những hoạt động nào?

Tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 83/2014/NĐ-CP quy định như sau:

2. Kinh doanh xăng dầu bao gồm các hoạt động: Xuất khẩu (xăng dầu, nguyên liệu sản xuất trong nước và xăng dầu, nguyên liệu có nguồn gốc nhập khẩu), nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu, nguyên liệu; sản xuất và pha chế xăng dầu; phân phối xăng dầu tại thị trường trong nước; dịch vụ cho thuê kho, cảng, tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển xăng dầu.

Kinh doanh xăng dầu bao gồm các hoạt động: Xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu, nguyên liệu; sản xuất và pha chế xăng dầu; phân phối xăng dầu tại thị trường trong nước; dịch vụ cho thuê kho, cảng, tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển xăng dầu.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Xử lý hình sự

Phan Hồng Công Minh

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào