Khi nào bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ khi vi phạm trong công tác lãnh đạo, điều hành trong tổ chức công đoàn?
- Kỷ luật bằng hình thức khai trừ khi vi phạm trong công tác lãnh đạo, điều hành trong tổ chức công đoàn trong trường hợp nào?
- Vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong tổ chức công đoàn được xử lý như thế nào?
- Nội dung vi phạm và hình thức xử lý kỷ luật đối với đoàn viên trong tổ chức công đoàn là gì?
Kỷ luật bằng hình thức khai trừ khi vi phạm trong công tác lãnh đạo, điều hành trong tổ chức công đoàn trong trường hợp nào?
Tại khoản 3 Điều 23 Quy định xử lý kỷ luật trong tổ chức công đoàn ban hành kèm theo Quyết định 5130/QĐ-TLĐ năm 2022 quy định về kỷ luật bằng hình thức khai trừ khi vi phạm trong công tác lãnh đạo, điều hành trong tổ chức công đoàn như sau:
3. Trường hợp vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:
a) Bao che, tiếp tay cho hành vi vi phạm nghiêm trọng của cấp dưới, dẫn đến vi phạm đến mức phải xử lý bằng pháp luật.
b) Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cố tình báo cáo sai sự thật, che giấu tội phạm, hành vi vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc che dấu tình trạng mất đoàn kết nội bộ kéo dài ở nơi mình trực tiếp phụ trách.
c) Trực tiếp gây ra hoặc do quan liêu, thiếu trách nhiệm để cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp phụ trách mất đoàn kết nghiêm trọng.
d) Người đứng đầu đơn vị kinh tế, sự nghiệp của Công đoàn thiếu trách nhiệm hoặc cố ý làm trái các quy định dẫn đến đơn vị sản xuất, kinh doanh thua lỗ kéo dài, vi phạm pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tiền, tài sản của Nhà nước, Công đoàn, của tập thể và cá nhân người lao động.
Kỷ luật bằng hình thức khai trừ khi vi phạm trong công tác lãnh đạo, điều hành trong tổ chức công đoàn trong trường hợp:
- Bao che, tiếp tay cho hành vi vi phạm nghiêm trọng của cấp dưới, dẫn đến vi phạm đến mức phải xử lý bằng pháp luật. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cố tình báo cáo sai sự thật, che giấu tội phạm, hành vi vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc che dấu tình trạng mất đoàn kết nội bộ kéo dài ở nơi mình trực tiếp phụ trách.
- Trực tiếp gây ra hoặc do quan liêu, thiếu trách nhiệm để cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp phụ trách mất đoàn kết nghiêm trọng. Người đứng đầu đơn vị kinh tế, sự nghiệp của Công đoàn thiếu trách nhiệm hoặc cố ý làm trái các quy định dẫn đến đơn vị sản xuất, kinh doanh thua lỗ kéo dài, vi phạm pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tiền, tài sản của Nhà nước, Công đoàn, của tập thể và cá nhân người lao động.
Khi nào bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ khi vi phạm trong công tác lãnh đạo, điều hành trong tổ chức công đoàn? (Hình từ Internet)
Vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong tổ chức công đoàn được xử lý như thế nào?
Tại Điều 24 Quy định xử lý kỷ luật trong tổ chức công đoàn ban hành kèm theo Quyết định 5130/QĐ-TLĐ năm 2022 quy định về vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong tổ chức công đoàn như sau:
Vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao
1. Cán bộ vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
a) Làm những việc ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Công đoàn.
b) Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong thực thi nhiệm vụ, công vụ hoặc trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ được giao hoặc vi phạm về quy trình công tác, bỏ vị trí công tác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
c) Báo cáo không đúng sự thật (kể cả các số liệu báo cáo không chính xác).
d) Có trách nhiệm tổng hợp báo cáo kết quả tài liệu về minh bạch tài sản, thu nhập mà thực hiện không đúng, không đầy đủ so với quy định.
2. Trường hợp vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức:
a) Được giao quản lý nhưng có hành vi chiếm giữ, cho thuê, cho mượn tài sản, cho vay quỹ của Công đoàn, cơ quan, đơn vị, tổ chức được giao quản lý, sử dụng trái quy định.
b) Cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong khi giải quyết công việc.
c) Sử dụng trái phép thông tin, tài liệu, tài sản, phương tiện của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
3. Trường hợp vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:
a) Lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, chính sách, chế độ sai trái vì lợi ích nhóm hoặc lợi ích cục bộ.
b) Lợi dụng danh nghĩa, phương tiện cơ quan, trụ sở làm việc, cơ sở sản xuất kinh doanh, tổ chức mình công tác hoặc phụ trách để bao che, tiếp tay cho hành vi buôn lậu, sản xuất hàng giả, buôn bán hàng cấm hoặc hoạt động có tính chất tệ nạn xã hội.
c) Lợi dụng quyền công đoàn để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong tổ chức công đoàn được xử lý bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo hoặc cách chức, khai trừ.
Nội dung vi phạm và hình thức xử lý kỷ luật đối với đoàn viên trong tổ chức công đoàn là gì?
Tại Điều 25 Quy định xử lý kỷ luật trong tổ chức công đoàn ban hành kèm theo Quyết định 5130/QĐ-TLĐ năm 2022 quy định về nội dung vi phạm và hình thức xử lý kỷ luật đối với đoàn viên trong tổ chức công đoàn như sau:
Nội dung vi phạm và hình thức xử lý kỷ luật đối với đoàn viên trong tổ chức công đoàn
1. Đoàn viên vi phạm một trong các trường hợp sau đây thì bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
a) Không chấp hành và không thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam, nghị quyết, quyết định, quy định, kế hoạch, chương trình công tác... của công đoàn các cấp gây hậu quả ít nghiêm trọng.
b) Không dự họp 50% trở lên số kỳ họp công đoàn trong một năm.
c) Không đóng đoàn phí liên tục 6 tháng mà không có lý do chính đáng.
2. Đoàn viên vi phạm một trong các trường hợp sau đây thì bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo:
a) Đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại tiết a khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng.
b) Không dự họp 70% trở lên số kỳ họp công đoàn trong một năm.
c) Không đóng đoàn phí liên tục 9 tháng mà không có lý do chính đáng.
3. Đoàn viên vi phạm một trong các trường hợp sau đây thì bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khai trừ:
a) Đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại tiết a khoản 2 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả rất nghiêm trọng.
b) Không dự họp 90% trở lên số kỳ họp công đoàn trong một năm.
c) Không đóng đoàn phí liên tục 12 tháng mà không có lý do chính đáng.
Hình thức xử lý kỷ luật đối với đoàn viên trong tổ chức công đoàn khi vi phạm gồm khiển trách, cảnh cáo, khai trừ.
Trân trọng!
Nguyễn Hữu Vi