Cách sử dụng Biển số W.209 'Giao nhau có tín hiệu đèn' như thế nào?
- Biển số W.209 "Giao nhau có tín hiệu đèn" được quy định như thế nào?
- Biển số W.210 " Giao nhau với đường sắt có rào chắn" có ý nghĩa như thế nào?
- Quy chuẩn Biển số W.211a "Giao nhau với đường sắt không có rào chắn" và Biển số W.211b "Giao nhau với đường tàu điện"?
- Biển số W.212 "Cầu hẹp" được sử dụng như thế nào?
- Ý nghĩa của Biển số W.213 "Cầu tạm" là gì?
Biển số W.209 "Giao nhau có tín hiệu đèn" được quy định như thế nào?
Tại Phụ lục C ban hành kèm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT quy định Biển số W.209 "Giao nhau có tín hiệu đèn" như sau:
a) Để báo trước nơi giao nhau có điều khiển giao thông bằng tín hiệu đèn trong trường hợp người tham gia giao thông khó quan sát thấy đèn để kịp thời xử lý, đặt biển số W.209 "Giao nhau có tín hiệu đèn". Trường hợp dễ dàng nhận biết đèn tín hiệu thì không nên đặt biển số W.209.
b) Biển số W.209 có thể được dùng bổ sung hoặc thay thế cho các biển số W.205, W.206, W.207, W.208.
Hình C.11 - Biển số W.209
Biển số W.210 " Giao nhau với đường sắt có rào chắn" có ý nghĩa như thế nào?
Tại Phụ lục C ban hành kèm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT Biển số W.210 " Giao nhau với đường sắt có rào chắn" có ý nghĩa như sau:
Để báo trước sắp đến chỗ giao nhau giữa đường bộ và đường sắt có rào chắn kín hay rào chắn nửa kín và có nhân viên ngành đường sắt điều khiển giao thông, đặt biển số W.210 "Giao nhau với đường sắt có rào chắn".
Hình C.12 - Biển số W.210
Quy chuẩn Biển số W.211a "Giao nhau với đường sắt không có rào chắn" và Biển số W.211b "Giao nhau với đường tàu điện"?
Tại Phụ lục C ban hành kèm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT Biển số W.211a "Giao nhau với đường sắt không có rào chắn" và Biển số W.211b "Giao nhau với đường tàu điện":
a) Để báo trước sắp đến chỗ giao nhau giữa đường bộ và đường sắt không có rào chắn, không có người điều khiển giao thông, đặt biển số W.211a "Giao nhau với đường sắt không có rào chắn".
b) Trong trường hợp có từng đoạn đường bộ và đường sắt cùng đi chung với nhau, như cầu đi chung, đặt một trong hai biển số W.210 hoặc W.211a cho phù hợp với thực tế có hay không có rào chắn.
c) Nơi đặt biển số W.211a, đặt thêm biển số W.242(a,b) "Nơi đường sắt giao nhau vuông góc với đường bộ" đặt cách ray ngoài cùng của đường sắt là 10 m.
d) Để chỉ nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường tàu điện, đặt biển số W.211b "Giao nhau với đường tàu điện". Chỉ cần thiết phải đặt biển này khi đường tàu điện không được nhìn thấy rõ ràng và kịp thời.
a) Biển số W.211a b) Biển số W.211b
Biển số W.212 "Cầu hẹp" được sử dụng như thế nào?
Tại Phụ lục C ban hành kèm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT Biển số W.212 "Cầu hẹp" được sử dụng như sau:
Để báo trước sắp đến cầu hẹp là loại cầu có chiều rộng phần xe chạy nhỏ hơn hoặc bằng 4,50 m, đặt biển số W.212 "Cầu hẹp". Khi qua các cầu này lái xe phải đi chậm, quan sát, nhường nhau và dừng lại chờ ở hai đầu cầu.
Hình C.14 - Biển số W.212
Ý nghĩa của Biển số W.213 "Cầu tạm" là gì?
Tại Phụ lục C ban hành kèm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT Biển số W.213 "Cầu tạm" có ý nghĩa như sau:
a) Để báo trước sắp đến cầu tạm là loại cầu được làm để sử dụng tạm thời cho xe cộ qua lại, đặt biển số W.213 "Cầu tạm".
b) Nếu trọng tải của cầu thấp và khổ cầu hẹp thì đặt thêm các biển số 115 "Hạn chế trọng lượng xe" và biển số P.118 "Hạn chế chiều ngang xe" hoặc các biển báo cần thiết khác. Khi gặp báo hiệu cầu tạm, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông cần thận trọng, khi nước ngập nhất thiết không được qua cầu.
Hình C.15 - Biển số W.213
Trân trọng!
Vũ Thiên Ân