Khi tàu đến nhưng nhân viên gác chắn tàu không đóng chắn bị phạt bao nhiêu tiền?
Nhân viên gác đường ngang không đóng chắn khi tàu đến bị phạt bao nhiêu tiền?
Tại Điều 43 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi điểm i khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định xử phạt các hành vi vi phạm quy định về đón, gửi tàu, cụ thể như sau:
Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về đón, gửi tàu
1. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với nhân viên đường sắt thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Trực ban chạy tàu ga, gác ghi, gác đường ngang, gác cầu chung, gác hầm, tuần cầu, tuần đường, tuần hầm không đón, tiễn tàu hoặc tác nghiệp đón, tiễn tàu không đúng quy định trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này;
b) Trực ban chạy tàu ga không ghi chép đầy đủ các mẫu điện tín;
c) Trực ban chạy tàu ga, gác đường ngang, gác cầu chung không ghi chép đầy đủ thông tin về giờ tàu chạy qua ga, chắn, cầu chung theo quy định.
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với trực ban chạy tàu ga để tàu đỗ trước cột tín hiệu vào ga khi không có lý do chính đáng.
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với nhân viên gác đường ngang, cầu chung không đóng chắn hoặc đóng chắn không đúng thời gian quy định.
4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với trực ban chạy tàu ga thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Tổ chức đón tàu vào đường không thanh thoát mà không áp dụng các biện pháp an toàn theo quy định;
b) Đón, gửi nhầm tàu;
c) Đón, gửi tàu mà không thu chìa khóa ghi hoặc không áp dụng các biện pháp khống chế ghi;
d) Cho tàu chạy vào khu gian mà không thông báo cho nhân viên gác đường ngang, cầu chung theo quy định;
đ) Để phương tiện giao thông đường sắt khác chiếm dụng đường chính tuyến trong ga, trừ trường hợp bất khả kháng (tránh vượt tàu, dồn dịch, cứu hộ, cứu nạn);
e) Không thông báo cho trực ban chạy tàu ga đến, ga đi, nhân viên điều độ chạy tàu tuyến về số hiệu tàu, giờ thực tế tàu đến, đi, thông qua sau khi tàu đến, đi, thông qua ga theo quy định;
g) Không kiểm tra, không xác nhận việc dồn dịch gây ảnh hưởng, trở ngại đến đường đón, gửi tàu theo quy định.
Với quy định nêu trên, việc nhân viên đường sắt trực tại gác đường ngang không thực hiện việc đóng chắn khi có tàu hỏa sắp chạy qua thì cá nhân nhân viên đó có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng.
Khi tàu đến nhưng nhân viên gác chắn tàu không đóng chắn bị phạt bao nhiêu tiền? (Hình từ Internet)
Tắc trách trong công việc, nhân viên gác chắn tàu có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Theo khoản 128 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng:
Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Theo đó, khi nhân viên gác chắn tàu tắc trách trong công việc (không đóng gắc chắn tàu khi tàu chạy qua) nếu gây thiệt hại về người và tài sản thì tùy vào hậu quả gây ra mà cá nhân nhân viên gác tàu phải chịu trách nhiệm về hình sự.
Mức hình phạt mà người này phải chịu là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù thấp nhất từ 06 tháng và cao nhất đến 12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tiêu chuẩn của nhân viên gác đường sắt là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 16 Thông tư 33/2018/TT-BGTVT quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của nhân viên gác đường ngang, gác cầu chung
1. Tiêu chuẩn:
a) Có bằng, chứng chỉ chuyên môn về đường sắt, cầu đường sắt, gác đường ngang, gác cầu chung, gác hầm đường sắt;
b) Có đủ điều kiện sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
c) Có thời gian thử việc theo quy định của pháp luật về lao động với các chức danh gác đường ngang, gác cầu chung, gác hầm đường sắt và đạt yêu cầu sát hạch về nghiệp vụ gác đường ngang, gác cầu chung, gác hầm đường sắt do doanh nghiệp sử dụng các chức danh gác đường ngang, gác cầu chung, gác hầm đường sắt tổ chức.
Như vậy, để được công nhận là một nhân viên gác đường sắt phải đáp ứng được các tiêu chuẩu sau: Có bằng, chứng chỉ chuyên môn về đường sắt, cầu đường sắt, gác đường ngang, gác cầu chung, gác hầm đường sắt; Có đủ điều kiện sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế; Có thời gian thử việc với các chức danh gác đường ngang, gác cầu chung, gác hầm đường sắt và đạt yêu cầu sát hạch về nghiệp vụ gác đường ngang, gác cầu chung, gác hầm đường sắt do doanh nghiệp sử dụng các chức danh gác đường ngang, gác cầu chung, gác hầm đường sắt tổ chức.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài