Đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu, có bắt buộc phải thực hiện dự trữ xăng dầu không?
Cửa hàng bán lẻ xăng dầu có bắt buộc thực hiện dự trữ xăng dầu hay không?
Tại Điều 30 Nghị định 83/2014/NĐ-CP có quy định về đối tượng thực hiện dự trữ xăng dầu như sau:
Đối tượng thực hiện dự trữ xăng dầu
1. Đối tượng thực hiện dự trữ xăng dầu bắt buộc là thương nhân đầu mối.
2. Dự trữ quốc gia về xăng dầu theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia.
Tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 95/2021/NĐ-CP có quy định về thương nhân đầu mối như sau:
11. Thương nhân đầu mối bao gồm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu là thương nhân mua xăng dầu trực tiếp từ nhà máy sản xuất, pha chế xăng dầu (hoặc từ doanh nghiệp được giao quyền bao tiêu toàn bộ sản phẩm xăng dầu của nhà máy trong trường hợp nhà máy sản xuất không trực tiếp bán xăng dầu thành phẩm) hoặc nhập khẩu xăng dầu để cung ứng xăng dầu cho hệ thống của mình, bán cho thương nhân kinh doanh xăng dầu khác và xuất khẩu xăng dầu.
Doanh nghiệp được giao quyền bao tiêu toàn bộ sản phẩm xăng dầu của nhà máy lọc dầu được quyền xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu thành phẩm để bảo đảm cân đối nguồn xăng dầu cung cấp cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.
Thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu là thương nhân thực hiện quá trình công nghệ chưng cất, chế biến dầu thô, sản phẩm xăng dầu, bán thành phẩm xăng dầu, chất thải và các nguyên vật liệu khác thành các sản phẩm xăng dầu.
Căn cứ theo quy định hiện hành, pháp luật chỉ bắt buộc thương nhân đầu mối (bao gồm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu) phải thực hiện dự trữ xăng dầu, không bắt buộc dự trữ đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu, có bắt buộc phải thực hiện dự trữ xăng dầu không? (Hình từ Internet)
Cá nhân dự trữ xăng dầu trong nhà sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Tại Điều 32 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong quản lý, bảo quản và sử dụng chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ như sau:
Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong quản lý, bảo quản và sử dụng chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không có sổ sách, hồ sơ theo dõi, quản lý chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi bảo quản, bố trí, sắp xếp chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ không đúng nơi quy định hoặc vượt quá số lượng, khối lượng hoặc sắp xếp không bảo đảm khoảng cách, không theo từng nhóm chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định của pháp luật.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thiết bị, phương tiện chứa, đựng chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ không có Giấy chứng nhận kết quả kiểm định hoặc không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
4. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ trái phép chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ.
5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi mang chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ trái phép vào nơi tập trung đông người.
6. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ.
7. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 3, 4, 5 và 6 Điều này;
b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều này.
8. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc bảo quản, bố trí, sắp xếp, giảm số lượng hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.
Như vậy, việc cá nhân có hành vi tàng trữ xăng dầu trong nhà có thể bị xử phạt từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng. Ngoài ra, còn cá nhân vi phạm còn bị tịch thu xăng dầu do tàng trữ trái phép.
Mức dự trữ xăng dầu bắt buộc được quy định như thế nào?
Tại khoản 23 Điều 1 Nghị định 95/2021/NĐ-CP có quy định về mức dự trữ xăng dầu bắt buộc như sau:
1. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu có tổ chức hệ thống phân phối xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng hai mươi (20) ngày cung ứng, tính theo sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân một (01) ngày của năm trước liền kề, cả về cơ cấu chủng loại; bao gồm dự trữ phục vụ an ninh năng lượng quốc gia, dự trữ lưu thông bắt buộc.
2. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, thương nhân phân phối xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng năm (05) ngày cung ứng, tính theo sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân một (01) ngày của năm trước liền kề, cả về cơ cấu chủng loại.
3. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu theo các quy định hiện hành về dự trữ xăng dầu.
4. Cơ chế sử dụng nguồn xăng dầu dự trữ bắt buộc thực hiện theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia và/hoặc theo chỉ đạo của Bộ Công Thương để phục vụ công tác bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường khi cần thiết.”
+ Thương nhân đầu mối kinh doanh và thương nhân đầu mối sản xuất có tổ chức hệ thống phân phối xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng hai mươi ngày cung ứng, tính theo sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân một ngày của năm trước liền kề, cả về cơ cấu chủng loại; bao gồm dự trữ phục vụ an ninh năng lượng quốc gia, dự trữ lưu thông bắt buộc.
+ Thương nhân phân phối phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng năm ngày cung ứng, tính theo sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân một ngày của năm trước liền kề, cả về cơ cấu chủng loại.
+ Thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu theo các quy định hiện hành về dự trữ xăng dầu.
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân