Không được cưỡng chế thi hành án dân sự vào thời gian nào?
Trong thời gian nào không được cưỡng chế thi hành án dân sự?
Theo Điều 46 Luật thi hành án dân sự 2008 quy định thời gian không được cưỡng chế thi hành án, cụ thể như sau:
Cưỡng chế thi hành án
"Không tổ chức cưỡng chế thi hành án trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật và các trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định."
Như vậy, trong việc thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự không được cưỡng chế thi hành án vào khoảng thời gian từ 22 giờ tối đến 06 giờ sáng hôm sau và các ngày nghỉ, lễ theo quy định pháp luật.
Không được cưỡng chế thi hành án dân sự vào thời gian nào? (Hình từ Internet)
Các trường hợp định giá lại tài sản kê biên thi hành án dân sự?
Tại Điều 98 Luật thi hành án dân sự 2008 quy định định giá tài sản kê biên:
Định giá tài sản kê biên
Ngay khi kê biên tài sản mà đương sự thoả thuận được về giá tài sản hoặc về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên lập biên bản về thỏa thuận đó. Giá tài sản do đương sự thoả thuận là giá khởi điểm để bán đấu giá. Trường hợp đương sự có thoả thuận về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá đó.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kê biên tài sản, Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên trong các trường hợp sau đây:
- Đương sự không thoả thuận được về giá và không thoả thuận được việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá;
- Tổ chức thẩm định giá do đương sự lựa chọn từ chối việc ký hợp đồng dịch vụ;
- Thi hành phần bản án, quyết định quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật thi hành án dân sự 2008.
Chấp hành viên xác định giá trong các trường hợp sau đây:
- Không thực hiện được việc ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên;
- Tài sản kê biên thuộc loại tươi sống, mau hỏng hoặc có giá trị nhỏ mà đương sự không thoả thuận được với nhau về giá. Chính phủ quy định về tài sản có giá trị nhỏ.
Theo khoản 1 Điều 99 Luật thi hành án dân sự 2008 và Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 quy định việc định giá lại tài sản kê biên được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
- Chấp hành viên có vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 98 của Luật này dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản;
- Đương sự có yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản. Yêu cầu định giá lại chỉ được thực hiện một lần và chỉ được chấp nhận nếu đương sự có đơn yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo về kết quả thẩm định giá và phải nộp ngay tạm ứng chi phí định giá lại tài sản.
Việc định giá lại tài sản kê biên được thực hiện trong các trường hợp sau:
+ Chấp hành viên có vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 98 của Luật này dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản; Đương sự có yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản.
Quyền kháng nghị của Viện kiểm sát trong thi hành án dân sự?
Quyền kháng nghị của Viện kiểm sát trong thi hành án dân sự quy định tại Điều 160 Luật thi hành án dân sự 2008 cụ thể như sau:
Quyền kháng nghị của Viện kiểm sát
- Viện kiểm sát kháng nghị đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.
- Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc phát hiện hành vi vi phạm.
Viện kiểm sát kháng nghị đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, cấp trên trực tiếp là 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc phát hiện hành vi vi phạm.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn