Khách hàng sẽ nhận được mức lãi suất bao nhiêu nếu rút tiền gửi trước kỳ hạn?
Rút tiền gửi trước kỳ hạn, khách hàng sẽ nhận được mức lãi suất là bao nhiêu?
Tại Điều 5 Thông tư 04/2022/TT-NHNN có quy định về lãi suất rút trước hạn tiền gửi như sau:
Lãi suất rút trước hạn tiền gửi
1. Trường hợp khách hàng rút trước hạn toàn bộ tiền gửi: tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn tiền gửi.
2. Trường hợp khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi:
a) Đối với phần tiền gửi rút trước hạn, tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn tiền gửi;
b) Đối với phần tiền gửi còn lại, tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần.
Tại Điều 3 Thông tư 04/2022/TT-NHNN có quy định về hình thức tiền gửi rút trước hạn như sau:
Hình thức tiền gửi rút trước hạn
1. Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn.
2. Tiền gửi có kỳ hạn.
3. Chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành.
4. Các hình thức nhận tiền gửi có kỳ hạn khác theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.
Tại khoản 1 Điều 1 Quyết định 1812/QĐ-NHNN năm 2022 có quy định về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn như sau:
1. Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 1,0%/năm.
Căn cứ theo quy định hiện hành, trong trường hợp rút tiền gửi trước kỳ hạn thì khách hàng sẽ nhận được mức lãi suất cao nhất bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của ngân hàng theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn tiền gửi. Mức lãi suất không kỳ hạn tối đa hiện nay là 1.0%. Chính vì vậy, mức lãi suất tối đa khi rút tiền gửi trước kỳ hạn là 1.0%/năm.
Khách hàng sẽ nhận được mức lãi suất bao nhiêu nếu rút tiền gửi trước kỳ hạn? (Hình từ Internet)
Ngân hàng thương mại có toàn quyền quyết định mức lãi suất trong kinh doanh?
Tại Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng 2010 có quy định về lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng như sau:
Lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng
1. Tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.
2. Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
3. Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.
Tại Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng 2010 có quy định giải thích từ ngữ như sau:
Giải thích từ ngữ
1. Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.
2. Ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng có thể được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này. Theo tính chất và mục tiêu hoạt động, các loại hình ngân hàng bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã.
Theo đó, ngân hàng thương mại được quyền quyết định mức lãi suất trong kinh doanh. Tuy nhiên, trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường thì Ngân hàng nhà nước sẽ có cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.
Mức lãi suất tối đa trong dân sự được quy định như thế nào?
Tại Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về vấn đề lãi suất như sau:
Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.
Như vậy, mức lãi suất trong dân sự do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm.
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân