Các nguyên tắc trong triển khai hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin?
Nguyên tắc trong triển khai hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin là gì?
Căn cứ Điều 4 Thông tư 05/2022/TT-BVHTTDL quy định về nguyên tắc trong triển khai hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin như sau:
1. Tuân thủ quy tắc, quy trình hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ thư viện.
2. Lấy người sử dụng thư viện làm trung tâm; thường xuyên đổi mới sáng tạo về quy trình cung ứng sản phẩm và dịch vụ thư viện; chủ động, kịp thời, linh hoạt, bảo đảm cung cấp cơ hội tiếp cận với tài nguyên thông tin và sản phẩm, dịch vụ thư viện phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí cho mọi đối tượng, đặc biệt là thiếu nhi, người cao tuổi và người khuyết tật.
3. Bố trí thời gian hoạt động thư viện lưu động, luân chuyển tài nguyên thông tin phù hợp với điều kiện sinh hoạt, học tập, sản xuất; bảo đảm thực hiện đầy đủ các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại Thông tư này.
4. Bảo đảm an toàn về người, tài sản của thư viện; kịp thời thích ứng với từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.
5. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số hướng đến phát triển tài nguyên thông tin số, tài nguyên thông tin mở, thư viện số trong tổ chức các hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin.
6. Thiết lập cơ chế phối hợp giữa các loại thư viện, thư viện và các cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm huy động, chia sẻ và phát huy hiệu quả các nguồn lực phục vụ người sử dụng.
7. Tuân thủ quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin, an ninh mạng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo đó, nguyên tắc trong triển khai hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin được quy định theo pháp luật nêu trên.
Các nguyên tắc trong triển khai hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin? (Hình từ Internet)
Hoạt động thư viện lưu động được quy định như thế nào?
Theo Điều 5 Thông tư 05/2022/TT-BVHTTDL hoạt động thư viện lưu động được quy định như sau:
1. Phát triển tài nguyên thông tin
a) Khảo sát địa điểm, đối tượng, nhu cầu của người sử dụng mà thư viện có trách nhiệm phục vụ làm căn cứ để lựa chọn, bổ sung các loại hình tài nguyên thông tin bảo đảm phù hợp với trình độ, nhu cầu của người sử dụng. Ưu tiên lựa chọn tài nguyên thông tin phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và các tài nguyên thông tin phục vụ cho nhóm đối tượng đặc thù như: thiếu nhi, người cao tuổi, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng thuộc khu vực biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, nhóm đối tượng chuyên biệt (nhà quản lý, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tài nguyên thông tin phục vụ sản xuất, kinh doanh);
b) Báo cáo kết quả khảo sát, lập danh mục lựa chọn tài nguyên thông tin và đưa vào Kế hoạch hoạt động thư viện lưu động hằng năm của thư viện; việc lựa chọn tài nguyên thông tin phải bảo đảm yêu cầu:
- Tài nguyên thông tin là tài liệu in có ít nhất 03 bản trở lên đối với 01 tên sách trong kho sách của thư viện và không thuộc đối tượng là tài nguyên thông tin hạn chế sử dụng theo quy định;
- Tài nguyên thông tin có tính cập nhật, không bị lỗi thời, phù hợp với nhu cầu của từng điểm phục vụ hoặc luân chuyển;
- Đối với tài nguyên thông tin là tài liệu số phải tuân thủ quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và các quy định khác có liên quan.
c) Thực hiện bổ sung tài nguyên thông tin bằng các hình thức tiếp nhận xuất bản phẩm, mua tài nguyên thông tin, quyền truy cập cơ sở dữ liệu, tài nguyên thông tin số, tài nguyên thông tin mở, tài nguyên thông tin thuộc về công chúng, tài nguyên thông tin trực tuyến có giá trị khác.
2. Xử lý thông tin và tổ chức tra cứu thông tin thực hiện theo quy trình nghiệp vụ phục vụ việc tra cứu, sử dụng theo quy định của pháp luật.
3. Tạo lập, cung cấp sản phẩm thông tin thư viện và dịch vụ thư viện lưu động bảo đảm khoa học, hiện đại, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của thư viện và nhu cầu của người sử dụng thư viện.
a) Sản phẩm thông tin thư viện bao gồm: hệ thống tra cứu thông tin, cơ sở dữ liệu thư mục, dữ kiện và toàn văn; thư mục thông tin chuyên đề phục vụ cho các nhóm đối tượng; các sản phẩm thông tin thư viện khác được hình thành trong quá trình xử lý tài nguyên thông tin của thư viện được thư viện lựa chọn để phục vụ lưu động;
b) Dịch vụ thư viện bao gồm: tổ chức không gian đọc, cung cấp tài nguyên thông tin tại chỗ; tư vấn, hướng dẫn sử dụng các tài nguyên thông tin của thư viện; truy cập máy tính và internet công cộng; tổ chức các hoạt động khuyến đọc; dịch vụ cung cấp thông tin theo yêu cầu và các dịch vụ khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của thư viện theo quy định của pháp luật.
4. Truyền thông trong hoạt động thư viện lưu động
a) Xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động gắn với các sự kiện của đất nước, của địa phương và các sự kiện khác của ngành thư viện theo quy định của pháp luật;
b) Giới thiệu về tài nguyên thông tin, sản phẩm và dịch vụ, tiện ích của thư viện và các nội dung khác theo quy định của pháp luật; xây dựng quan hệ công chúng, hình ảnh của thư viện;
c) Trưng bày, triển lãm giới thiệu sách, kết hợp tuyên truyền giới thiệu các hoạt động thư viện lưu động qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội; lồng ghép các hoạt động của thư viện lưu động trong các sự kiện Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các cuộc thi khuyến đọc và các hoạt động văn hóa, giáo dục khác.
5. Thống kê hiệu quả phục vụ theo các chỉ tiêu lượt người được phục vụ, lượt tài nguyên thông tin và các chỉ tiêu khác theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này.
6. Đánh giá hoạt động thư viện lưu động theo quy định của pháp luật về đánh giá hoạt động thư viện.
7. Kiểm kê số lượng tài nguyên thông tin bị hư hại để có phương án bảo quản phù hợp để tái sử dụng. Tài nguyên thông tin bị hư hại là tài liệu in không còn khả năng phục chế hoặc bị mất được đưa vào danh mục tài nguyên thông tin đề nghị thanh lọc theo quy định của pháp luật.
Luân chuyển tài nguyên thông tin trong triển khai hoạt động thư viện được thực hiện như thế nào?
Căn cứ Điều 6 Thông tư 05/2022/TT-BVHTTDL việc luân chuyển tài nguyên thông tin được thực hiện như sau:
1. Hình thức luân chuyển tài nguyên thông tin bao gồm:
a) Luân chuyển đến các điểm ngoài trụ sở thư viện đối với các tài nguyên thông tin là tài liệu in, tài liệu viết tay, tài liệu nghe, nhìn, tài liệu vi dạng gồm vi phim, vi phiếu, tài liệu đặc biệt cho người khuyết tật và các tài liệu dạng vật chất khác;
b) Luân chuyển thông qua không gian mạng đối với tài nguyên thông tin là tài liệu số.
2. Luân chuyển tài nguyên thông tin quy định tại điểm a Khoản 1 Điều này được thực hiện như sau:
a) Xây dựng kế hoạch, lựa chọn địa điểm luân chuyển, ưu tiên đối với các điểm xa trung tâm, điểm có thư viện huyện, xã, các tủ sách khu dân cư, nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, các trường học và các điểm khác có phục vụ sách, báo cho cộng đồng gặp khó khăn về tài nguyên thông tin hoặc nhu cầu của người dân về sử dụng thư viện cao;
b) Lựa chọn tài nguyên thông tin là tài liệu in để thực hiện luân chuyển theo hướng dẫn tại điểm a và điểm b Khoản 1 Điều 5 Thông tư này và không đồng thời là tài nguyên thông tin được lựa chọn để phục vụ lưu động theo quy định tại Điều 5 Thông tư này;
c) Thời gian luân chuyển tài nguyên thông tin nhiều nhất là 06 tháng với 01 điểm luân chuyển.
Đối với các điểm luân chuyển ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, thời gian luân chuyển tài nguyên thông tin do thư viện thực hiện luân chuyển quyết định nhưng phải bảo đảm tính lưu thông trong phục vụ tài nguyên thông tin tại các điểm luân chuyển;
d) Thực hiện bàn giao tài nguyên thông tin cho điểm luân chuyển, thư viện có trách nhiệm:
- Lập biên bản bàn giao tài nguyên thông tin luân chuyển theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này; cung cấp danh mục tài nguyên thông tin đã bàn giao cho người phụ trách điểm luân chuyển;
- Hướng dẫn cho người phụ trách điểm luân chuyển về phương pháp tổ chức, bảo quản tài nguyên thông tin và phục vụ người sử dụng;
- Yêu cầu người phụ trách điểm luân chuyển thực hiện đánh giá mức độ sử dụng tài nguyên thông tin và nhu cầu của người sử dụng;
- Tổng hợp kết quả sử dụng tài nguyên thông tin của các điểm luân chuyển làm căn cứ xây dựng danh mục tài nguyên thông tin dự kiến luân chuyển tiếp theo cho từng điểm luân chuyển.
đ) Thực hiện kiểm kê số lượng, thống kê tài nguyên thông tin bị hư hại, bị mất để có phương án phục chế, thanh lọc theo quy định. Tài nguyên thông tin bị hư hại không còn khả năng phục chế hoặc bị mất được đưa vào danh mục đề nghị thanh lọc theo quy định của pháp luật.
3. Luân chuyển tài nguyên thông tin quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này thực hiện thông qua hoạt động chia sẻ tài liệu số quy định tại Điều 7 Thông tư này.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn