Nguyên tắc, thẩm quyền và điều kiện công nhận khu công nghệ thông tin tập trung được quy định như thế nào?
Quy định về nguyên tắc, thẩm quyền và điều kiện công nhận khu công nghệ thông tin tập trung?
Căn cứ Điều 16 Nghị định 154/2013/NĐ-CP nguyên tắc, thẩm quyền và điều kiện công nhận khu công nghệ thông tin tập trung được quy định như sau:
1. Các loại hình khu khác đang hoạt động có chức năng phù hợp quy định tại Điều 4 và đạt các tiêu chí quy định tại Điều 5 Nghị định này được xem xét công nhận khu công nghệ thông tin tập trung.
2. Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận khu công nghệ thông tin tập trung.
3. Các khu được công nhận là khu công nghệ thông tin tập trung phải thực hiện đúng chức năng quy định tại Điều 4, các tiêu chí quy định tại Điều 5 và chỉ được thu hút các hoạt động đầu tư quy định tại Điều 6 Nghị định này.
4. Việc công nhận khu công nghệ thông tin tập trung là căn cứ để áp dụng chính sách ưu đãi đối với khu công nghệ thông tin tập trung. Các khu được công nhận là khu công nghệ thông tin tập trung được bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ thông tin tập trung.
Quy định về nguyên tắc, thẩm quyền và điều kiện công nhận khu công nghệ thông tin tập trung được quy định theo pháp luật nêu trên.
Nguyên tắc, thẩm quyền và điều kiện công nhận khu công nghệ thông tin tập trung được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Hồ sơ công nhận khu công nghệ thông tin tập trung?
Tại Điều 17 Nghị định 154/2013/NĐ-CP quy định hồ sơ công nhận khu công nghệ thông tin tập trung như sau:
1. Hồ sơ công nhận khu công nghệ thông tin tập trung bao gồm:
a) Tờ trình Thủ tướng Chính phủ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc công nhận khu công nghệ thông tin tập trung;
b) Giấy chứng nhận đầu tư cấp cho Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghệ thông tin tập trung;
c) Báo cáo tổng thể hoạt động khu bao gồm các nội dung:
- Tổng quan về khu (quá trình hình thành phát triển, mô hình tổ chức quản lý; tổng mức đầu tư qua các thời kì,...);
- Thuyết minh sự phù hợp các tiêu chí quy định tại Điều 5 Nghị định này và các tài liệu giải trình kèm theo;
- Báo cáo đánh giá hiệu quả đầu tư;
- Báo cáo tài chính;
- Báo cáo đánh giá tác động kinh tế - xã hội và môi trường;
- Các giải pháp tổ chức thực hiện việc xây dựng, quy hoạch và quản lý khu sau khi được công nhận là khu công nghệ thông tin tập trung;
- Bản mô tả phương hướng phát triển khu gồm mục tiêu phát triển, chức năng, nhiệm vụ, phương hướng phát triển các hoạt động công nghệ thông tin.
2. Hồ sơ được lập thành 01 bộ, gửi Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 18 Nghị định này.
Hồ sơ công nhận khu công nghệ thông tin tập trung bao gồm:
- Tờ trình Thủ tướng Chính phủ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc công nhận khu công nghệ thông tin tập trung;
- Giấy chứng nhận đầu tư cấp cho Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghệ thông tin tập trung;
- Báo cáo tổng thể hoạt động khu
Thẩm định công nhận khu công nghệ thông tin tập trung?
Theo Điều 18 Nghị định 154/2013/NĐ-CP việc thẩm định công nhận khu công nghệ thông tin tập trung được quy định như sau:
1. Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định công nhận khu công nghệ thông tin tập trung, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
2. Thẩm định công nhận khu công nghệ thông tin tập trung bao gồm các nội dung sau đây:
a) Cơ sở pháp lý và sự cần thiết của việc công nhận khu công nghệ thông tin tập trung;
b) Khả năng đáp ứng các tiêu chí khu công nghệ thông tin tập trung quy định tại Điều 5 Nghị định này;
c) Các giải pháp tổ chức thực hiện việc xây dựng, quy hoạch và quản lý khu sau khi được công nhận là khu công nghệ thông tin tập trung.
3. Trình tự, thủ tục thẩm định:
a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ Hồ sơ công nhận khu công nghệ thông tin tập trung, Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan;
b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, ngành có ý kiến gửi Bộ Thông tin và Truyền thông;
Trong trường hợp cần thiết, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức cuộc họp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để làm rõ những vấn đề liên quan;
c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trả lời của các Bộ, ngành liên quan, Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn