Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam do cơ quan nào ban hành?
Cơ quan ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam
Căn cứ khoản 5 Điều 7 Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 856/QĐ-TTg năm 2022 quy định về nội dung trên như sau:
5. Hội đồng Luật sư toàn quốc có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
a) Ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam;
b) Quyết định những chủ trương, biện pháp nhằm thực hiện nghị quyết và các quyết định của Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc;
c) Thông qua báo cáo công tác, báo cáo tài chính và chương trình hoạt động hằng năm của Liên đoàn;
d) Hướng dẫn việc bầu đại biểu tham dự Đại hội, chuẩn bị các văn kiện, quy trình đề cử, ứng cử, lập danh sách ứng cử viên và các vấn đề chi tiết liên quan đến việc bầu cử Hội đồng Luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ Liên đoàn, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; hướng dẫn bầu hoặc phê chuẩn Tổng Thư ký; giới thiệu luật sư vào danh sách ứng cử viên bầu vào Hội đồng Luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ Liên đoàn, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ mới;
đ) Quyết định số lượng Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn, Phó Chủ tịch; bầu Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn, các Phó Chủ tịch; bầu hoặc phê chuẩn Tổng Thư ký của Liên đoàn; miễn nhiệm, bãi nhiệm Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc;
e) Quyết định việc triệu tập Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc;
g) Quy định khung phí tập sự hành nghề luật sư, khung phí gia nhập Đoàn Luật sư, mức phí thành viên;
h) Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Điều lệ này hoặc do Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc giao.
Theo đó, cơ quan ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam là Hội đồng Luật sư toàn quốc.
Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam do cơ quan nào ban hành? (Hình từ Internet)
Nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc?
Căn cứ khoản 8 Điều 7 Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 856/QĐ-TTg năm 2022 quy định về nội dung trên như sau:
8. Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
a) Tham gia đầy đủ các phiên họp của Hội đồng Luật sư toàn quốc;
b) Tham gia thảo luận những vấn đề trong chương trình làm việc của Hội đồng; biểu quyết thông qua nghị quyết, quyết định của Hội đồng;
c) Gương mẫu chấp hành và thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội đồng; phổ biến cho luật sư thực hiện nghiêm chỉnh nghị quyết, quyết định của Hội đồng;
d) Hoàn thành tốt những nhiệm vụ, chức trách do Hội đồng hoặc Ban Thường vụ Liên đoàn phân công.
Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc thực hiện không đầy đủ hoặc không thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình thì tùy theo mức độ có thể bị Hội đồng Luật sư toàn quốc khiển trách hoặc bị tạm đình chỉ tư cách Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc theo hướng dẫn của Hội đồng Luật sư toàn quốc về xử lý vi phạm đối với các cá nhân được bầu hoặc bổ nhiệm giữ các chức danh của Liên đoàn Luật sư Việt Nam; bị bãi nhiệm theo quy định tại các khoản 2, 3 Điều 13 của Điều lệ này.
Như vậy, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc có nhiệm vụ, quyền hạn được nêu trên.
Quy định về cuộc họp thường kỳ của Hội đồng Luật sư toàn quốc
Căn cứ khoản 6 Điều 7 Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 856/QĐ-TTg năm 2022 quy định về nội dung trên như sau:
6. Hội đồng Luật sư toàn quốc họp thường kỳ ít nhất 01 lần trong 01 năm theo triệu tập của Ban Thường vụ Liên đoàn. Hội đồng Luật sư toàn quốc có thể họp theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến.
Ban Thường vụ Liên đoàn có thể triệu tập Hội đồng Luật sư toàn quốc họp bất thường để quyết định những nội dung thuộc thẩm quyền của Hội đồng khi có trên 1/2 số Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn hoặc 1/3 số Ủy viên Hội đồng yêu cầu.
Các cuộc họp của Hội đồng Luật sư toàn quốc hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số Ủy viên Hội đồng tham gia.
Trong trường hợp Đoàn Luật sư khuyết Chủ nhiệm thì Phó Chủ nhiệm phụ trách được mời tham dự các cuộc họp của Hội đồng Luật sư toàn quốc nhưng không được quyền biểu quyết.
Trân trọng!
Lê Bảo Y