Tàu biển đăng ký tạm thời có được đăng ký thế chấp không? Những giấy tờ cần có trong hồ sơ đăng ký thế chấp tàu biển là gì?

Có được đăng ký thế chấp tàu biển đăng ký tạm thời không? Hồ sơ đăng ký thế chấp tàu biển bao gồm những giấy tờ gì? Đăng ký thế chấp tàu biển có thủ tục như thế nào? Chào Ban biên tập, tôi có vấn đề cần được giải đáp. Tôi có một chiếc tàu biển nhưng chỉ đăng ký tạm thời. Tôi đang có việc cần đến tiền thì liệu tôi có thể thế chấp chiếc tàu biển của tôi có được không? Nếu được thì hồ sơ đăng ký thế chấp bao gồm những giấy tờ gì? Rất mong được Ban biên tập giải đáp, tôi cảm ơn.

1. Có được đăng ký thế chấp tàu biển đăng ký tạm thời không?

Tại Điều 31 Nghị định 102/2017/NĐ-CP quy định tàu biển được thế chấp như sau:

Các loại tàu biển sau đây được thế chấp:

1. Tàu biển đăng ký không thời hạn;

2. Tàu biển đăng ký có thời hạn;

3. Tàu biển đang đóng;

4. Tàu biển đăng ký tạm thời;

5. Tàu biển loại nhỏ.

Như vậy, theo quy định trên tàu biển đăng ký tạm thời là một trong những loại tàu biển được thế chấp. Bạn có thể mang chiếc tàu biển đăng ký tạm thời của bạn đi thế chấp.

2. Hồ sơ đăng ký thế chấp tàu biển bao gồm những giấy tờ gì?

Theo Điều 32 Nghị định 102/2017/NĐ-CP quy định hồ sơ đăng ký thế chấp tàu biển như sau:

Người yêu cầu đăng ký nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký thế chấp tàu biển sau đây:

1. Phiếu yêu cầu đăng ký (01 bản chính);

2. Hợp đồng thế chấp tàu biển (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực);

3. Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu).

Do đó, khi bạn đăng ký thế chấp chiếc tàu biển đăng ký tạm thời của bạn thì những giấy tờ bạn cần chuẩn bị là:

- 01 Phiếu yêu cầu đăng ký (lưu ý là bản chính);

- 01 Hợp đồng thế chấp tàu biển (bản chính hoặc bản sao có chứng thực);

- 01 Văn bản ủy quyền trong trường hợp bạn ủy quyền cho người khác đi đăng ký thay bạn (bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao không có chứng thực nhưng có bản chính đi kèm).

3. Đăng ký thế chấp tàu biển có thủ tục như thế nào?

Căn cứ Điều 38 Nghị định 102/2017/NĐ-CP quy định thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu biển; đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm đã đăng ký; sửa chữa sai sót; xóa đăng ký; đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp tàu biển như sau:

1. Trường hợp đăng ký thế chấp tàu biển, đăng ký bảo lưu quyền sở hữu tàu biển, đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm đã đăng ký, xóa đăng ký, đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp, thì trong thời hạn giải quyết hồ sơ, Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam kiểm tra, xác minh các thông tin trong hồ sơ với các thông tin được lưu giữ trong số đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam, ghi nội dung đăng ký thế chấp, nội dung bảo lưu quyền sở hữu tàu biển, đăng ký thay đổi, xóa đăng ký, đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam và cấp văn bản chứng nhận đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu biển cho người yêu cầu đăng ký.

Trường hợp đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp, thì Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam gửi văn bản chứng nhận đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu biển cho các bên cùng nhận thế chấp trong trường hợp tàu biển được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ theo địa chỉ lưu giữ trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam.

2. Trường hợp cơ quan đăng ký phát hiện trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam hoặc trong văn bản chứng nhận đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu biển đã cấp có sai sót về nội dung đã đăng ký do lỗi của mình, thì trong thời hạn 01 ngày làm việc, Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam có trách nhiệm chỉnh lý thông tin sai sót về nội dung đăng ký trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam; nếu có sai sót trong văn bản chứng nhận đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu biển đã cấp, thì chỉnh lý và cấp lại văn bản chứng nhận đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu biển, đồng thời gửi văn bản thông báo cho người yêu cầu đăng ký việc chỉnh lý thông tin và thu hồi văn bản chứng nhận đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu biển đã cấp có sai sót.

Trường hợp người yêu cầu đăng ký nộp hồ sơ yêu cầu sửa chữa sai sót nội dung biện pháp bảo đảm bằng tàu biển đã đăng ký do lỗi của cơ quan đăng ký, thì trong thời hạn 01 ngày làm việc, Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam có trách nhiệm chỉnh lý và cấp lại văn bản chứng nhận đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu biển và trả kết quả cho người yêu cầu đăng ký.

Theo đó, thủ tục đăng ký thế chấp tàu biển được thực hiện theo Khoản 1 Điều 38 Nghị định 102/2017/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tàu biển

Vũ Thiên Ân

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào