Có phải đội nón bảo hiểm khi đi xe ba gác không?

Sáng nay em đi làm thì có bắt gặp một xe ba gác, người chở và một người được chở không đội nón bảo hiểm. Em có thắc mắc là đi xe ba gác có phải đội nón bảo hiểm không? Xin cảm ơn!

Đi xe ba gác có phải đội nón bảo hiểm không?

Căn cứ khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định như sau:

18. Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.

Theo khoản 2 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy như sau:

2. Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.

Theo đó, xe ba gác được xếp vào loại xe mô tô ba bánh và được phân vào loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Như vậy, người điều khiển, người ngồi trên xe ba gác phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.

Có phải đội nón bảo hiểm khi đi xe ba gác không?

Có phải đội nón bảo hiểm khi đi xe ba gác không? (Hình từ Internet)

Đi xe ba gác không đội nón bảo hiểm bị xử phạt như thế nào?

Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 100/2019/NĐ-CP giải thích từ ngữ như sau:

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Lĩnh vực giao thông đường bộ:
a) Máy kéo là loại xe gồm phần đầu máy tự di chuyển, được lái bằng càng hoặc vô lăng và rơ moóc được kéo theo (có thể tháo rời với phần đầu kéo);
b) Các loại xe tương tự xe ô tô là loại phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ có từ hai trục, bốn bánh xe trở lên, có phần động cơ và thùng hàng (nếu có) lắp trên cùng một xát xi (kể cả loại xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện);
c) Các loại xe tương tự xe mô tô là phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh, có dung tích làm việc của động cơ từ 50 cm3 trở lên, có vận tốc thiết kế lớn nhất lớn hơn 50 km/h, có khối lượng bản thân không lớn hơn 400 kg;
d) Xe máy điện là xe gắn máy được dẫn động bằng động cơ điện có công suất lớn nhất không lớn hơn 4 kW, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h;
đ) Các loại xe tương tự xe gắn máy là phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h, trừ các xe quy định tại điểm e khoản này;
e) Xe đạp máy là xe thô sơ hai bánh có lắp động cơ, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25 km/h và khi tắt máy thì đạp xe đi được (kể cả xe đạp điện).

Theo khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được bổ sung bởi khoản 4 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:

3. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
n) Không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ;
o) Chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.

Như vậy, người điều khiển xe ba gác không đội nón bảo hiểm sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng và chở người ngồi trên xe ba gác không đội nón bảo hiểm trừ các trường hợp đặc biệt cũng sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Xử phạt vi phạm hành chính

Tạ Thị Thanh Thảo

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào