Phương án bảo đảm có tàu bay khai thác trong lĩnh vực hàng không dân dụng có điều kiện như thế nào?
- Điều kiện về phương án bảo đảm có tàu bay khai thác trong lĩnh vực hàng không dân dụng là gì?
- Điều kiện về vốn để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không là gì?
- Hủy bỏ Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung trong những trường hợp nào?
- Điều kiện kinh doanh cảng hàng không, sân bay?
Điều kiện về phương án bảo đảm có tàu bay khai thác trong lĩnh vực hàng không dân dụng là gì?
Tại Điều 6 Nghị định 92/2016/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định 89/2019/NĐ-CP quy định như sau:
1. Phương án bảo đảm có tàu bay khai thác bao gồm các nội dung sau đây:
a) Số lượng, chủng loại tàu bay, tuổi của tàu bay;
b) Hình thức chiếm hữu;
c) Phương án khai thác, bảo dưỡng và nguồn nhân lực bảo đảm khai thác, bảo dưỡng tàu bay.
2. Số lượng tàu bay duy trì trong suốt quá trình kinh doanh vận tải hàng không tối thiểu là 03 tàu bay đối với kinh doanh vận chuyển hàng không; tối thiểu là 01 tàu bay đối với kinh doanh hàng không chung.
Trên đây là quy định về điều kiện về phương án bảo đảm có tàu bay khai thác trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Phương án bảo đảm có tàu bay khai thác trong lĩnh vực hàng không dân dụng có điều kiện như thế nào? (Hình từ Internet)
Điều kiện về vốn để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không là gì?
Theo Điều 8 Nghị định 92/2016/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 1 Nghị định 89/2019/NĐ-CP quy định điều kiện về vốn, như sau:
1. Mức vốn tối thiểu (bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn vay) để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không:
a) Khai thác đến 10 tàu bay: 300 tỷ đồng Việt Nam;
b) Khai thác từ 11 đến 30 tàu bay: 600 tỷ đồng Việt Nam;
c) Khai thác trên 30 tàu bay: 700 tỷ đồng Việt Nam.
2. Mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung: 100 tỷ đồng Việt Nam.
3. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện:
a) Nhà đầu tư nước ngoài chiếm không quá 34% vốn điều lệ;
b) Phải có ít nhất một cá nhân Việt Nam hoặc một pháp nhân Việt Nam giữ phần vốn điều lệ lớn nhất;
c) Trường hợp pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài góp vốn thì phần vốn góp nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân.
Điều kiện về vốn để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không được quy định như trên.
Hủy bỏ Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung trong những trường hợp nào?
Căn cứ Điều 12 Nghị định 92/2016/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 1 Nghị định 89/2019/NĐ-CP quy định hủy bỏ Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung, như sau:
1. Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung bị hủy bỏ trong các trường hợp sau đây:
a) Không duy trì vốn tối thiểu trong thời gian 03 năm liên tục;
b) Cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép;
c) Ngừng khai thác vận tải hàng không 36 tháng liên tục;
d) Không được cấp Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép;
đ) Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay bị thu hồi, hủy bỏ quá 36 tháng mà không được cấp lại;
e) Hoạt động sai mục đích hoặc không đúng với nội dung ghi trong Giấy phép;
g) Vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về an ninh, quốc phòng;
h) Vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về an ninh hàng không, an toàn hàng không, tổ chức bộ máy điều hành và hoạt động khai thác vận chuyển hàng không, hoạt động hàng không chung;
i) Chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật hoặc theo đề nghị của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không;
k) Không còn đáp ứng đủ điều kiện cấp Giấy phép theo quy định của pháp luật.
2. Trong trường hợp Giấy phép bị hủy bỏ, Bộ Giao thông vận tải ra quyết định hủy bỏ giấy phép và doanh nghiệp phải chấm dứt ngay việc kinh doanh vận tải hàng không.
Trên đây là các trường hợp hủy bỏ Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung.
Điều kiện kinh doanh cảng hàng không, sân bay?
Căn cứ Điều 13 Nghị định 92/2016/NĐ-CP quy định như sau:
1. Được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chấp thuận chủ trương trong trường hợp: Thành lập doanh nghiệp cảng hàng không; chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp cảng hàng không cho nhà đầu tư nước ngoài.
2. Được cấp Giấy phép kinh doanh cảng hàng không, sân bay khi đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 14 Nghị định này.
Điều kiện kinh doanh cảng hàng không, sân bay được quy định như trên.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài