Quy định về nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam?
Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam được quy định như thế nào?
Tại Điều 15 Nghị định 72/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 27/2018/NĐ-CP và Điều 2 Nghị định 150/2018/NĐ-CP quy định về nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam như sau:
1. Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc tế tại Việt Nam.
2. Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam được cung cấp dịch vụ khi đáp ứng đủ các Điều kiện sau đây:
a) Là doanh nghiệp thành lập theo pháp Luật Việt Nam;
c) Có hợp đồng ký với Tổ chức quản lý tên miền quốc tế (ICANN) hoặc nhà đăng ký tên miền chính thức (Accredited Registrar) của Tổ chức quản lý tên miền quốc tế để cung cấp dịch vụ đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam.
3. Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam có quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Quản lý thông tin về tổ chức, cá nhân ở Việt Nam đăng ký tên miền quốc tế tại đơn vị mình bao gồm tên tổ chức, địa chỉ trụ sở chính, số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử đối với tổ chức; họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, số chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân/hộ chiếu, nơi cấp, ngày cấp, địa chỉ thường trú, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử đối với cá nhân;
b) Hướng dẫn tổ chức, cá nhân đăng ký tên miền quốc tế thông báo việc sử dụng tên miền quốc tế theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 23 Luật công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
c) Cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để giải quyết, xử lý vụ việc liên quan tới tên miền quốc tế mà mình quản lý;
d) Trong thời hạn không quá 15 ngày, kể từ ngày cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc tế cho công cộng, Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam phải gửi báo cáo việc cung cấp dịch vụ cho Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Internet Việt Nam) theo Mẫu số 02 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này, đồng thời gửi kèm theo bản dịch được công chứng hợp đồng ký với Tổ chức quản lý tên miền quốc tế - ICANN hoặc hợp đồng ký với nhà đăng ký tên miền chính thức (Accredited Registrar) của Tổ chức quản lý tên miền quốc tế để cung cấp dịch vụ đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam;
đ) Trước ngày 15 của tháng đầu tiên hàng quý, Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam báo cáo danh sách cập nhật các tên miền quốc tế mà mình đang quản lý về Trung tâm Internet Việt Nam trên môi trường mạng theo hướng dẫn chi tiết tại địa chỉ www.thongbaotenmien.vn.
Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc tế tại Việt Nam theo quy định trên.
Quy định về nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam? (Hình từ Internet)
Xử lý tranh chấp tên miền như thế nào?
Căn cứ Điều 16 Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định vè xử lý tranh chấp tên miền như sau:
1. Tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” được giải quyết theo các hình thức sau đây:
a) Thông qua thương lượng, hòa giải;
b) Thông qua trọng tài;
c) Khởi kiện tại Tòa án.
2. Căn cứ giải quyết tranh chấp tên miền theo yêu cầu của nguyên đơn:
a) Tên miền tranh chấp trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với tên của nguyên đơn; trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với nhãn hiệu thương mại hay nhãn hiệu dịch vụ mà nguyên đơn là người có quyền hoặc lợi ích hợp pháp;
b) Bị đơn không có quyền hoặc lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền đó;
c) Bị đơn cho thuê hay chuyển giao tên miền cho nguyên đơn là người chủ của tên, nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu dịch vụ trùng hoặc giống đến mức gây nhầm lẫn với tên miền đó; cho thuê hay chuyển giao cho đối thủ cạnh tranh của nguyên đơn vì lợi ích riêng hoặc để kiếm lời bất chính;
d) Bị đơn chiếm dụng, ngăn cản không cho nguyên đơn là người chủ của tên, nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu dịch vụ đăng ký tên miền tương ứng với tên, nhãn hiệu thương mại hay nhãn hiệu dịch vụ đó nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh;
đ) Bị đơn sử dụng tên miền để hủy hoại danh tiếng của nguyên đơn, cản trở hoạt động kinh doanh của nguyên đơn hoặc gây sự nhầm lẫn, gây mất lòng tin cho công chúng đối với tên, nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu dịch vụ của nguyên đơn nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh;
e) Trường hợp khác chứng minh được việc bị đơn sử dụng tên miền vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn.
3. Bị đơn được coi là có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền khi đáp ứng một trong những Điều kiện sau đây:
a) Đã sử dụng hoặc có bằng chứng rõ ràng đang chuẩn bị sử dụng tên miền hoặc tên tương ứng với tên miền đó liên quan đến việc cung cấp sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ một cách thực sự trước khi có tranh chấp;
b) Được công chúng biết đến bởi tên miền đó cho dù không có quyền nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ;
c) Đang sử dụng tên miền một cách hợp pháp không liên quan tới thương mại hoặc sử dụng tên miền một cách chính đáng, không vì mục đích thương mại hoặc làm cho công chúng hiểu sai hoặc nhầm lẫn, ảnh hưởng tới tên, nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ của nguyên đơn;
d) Có bằng chứng khác chứng minh được tính hợp pháp của bị đơn liên quan đến tên miền.
4. Cơ quan quản lý tên miền “.vn” xử lý tên miền có tranh chấp được thực hiện theo biên bản hòa giải thành của các bên có tranh chấp hoặc theo quyết định đã có hiệu lực pháp Luật của cơ quan Trọng tài hoặc theo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp Luật của Tòa án.
Tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” được giải quyết theo các hình thức quy định trên.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn