Có được hiến tạng khi không có sự đồng ý của người thân không?
Không có sự đồng ý của người thân thì có được hiến tạng không?
Tại Điều 5 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác 2006 quy định quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác như sau:
Người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.
Như vậy, theo quy định trên thì chỉ cần từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì có quyền hiến tạng kể cả không có sự đồng ý của người thân.
Bạn năm nay đã 20 tuổi và nếu như bạn có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì bạn có thể hiến tạng sau khi bạn chết mà không cần có sự đồng ý của mẹ bạn. Bạn chỉ cần thực hiện đăng ký hiến tạng sau khi chết theo quy định của luật.
Có được hiến tạng khi không có sự đồng ý của người thân không? (Hình từ Internet)
Đăng ký hiến tạng sau khi chết có thủ tục như thế nào?
Theo Điều 18 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác 2006 quy định thủ tục đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết như sau:
1. Người có đủ điều kiện quy định tại Điều 5 của Luật này có quyền bày tỏ nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể của mình sau khi chết với cơ sở y tế.
2. Khi nhận được thông tin của người có nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết, cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.
3. Khi nhận được thông báo về trường hợp hiến mô, bộ phận cơ thể người, Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người có trách nhiệm thông báo cho cơ sở y tế quy định tại Điều 16 của Luật này để tiến hành các thủ tục đăng ký cho người hiến.
4. Khi nhận được thông báo của Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cơ sở y tế quy định tại Điều 16 của Luật này có trách nhiệm sau đây:
a) Trực tiếp gặp người hiến để tư vấn về các thông tin có liên quan đến hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người;
b) Hướng dẫn việc đăng ký hiến theo mẫu đơn; thực hiện việc kiểm tra sức khỏe cho người hiến;
c) Cấp thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết cho người hiến;
d) Báo cáo danh sách người đăng ký hiến đã được cấp thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.
5. Việc đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết có hiệu lực kể từ khi người đăng ký được cấp thẻ đăng ký hiến.
6. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định mẫu đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết; việc tư vấn, kiểm tra sức khỏe cho người hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết.
Do đó, khi bạn muốn hiến tạng sau khi bạn mất thì bạn có thể bày tỏ nguyện vọng của bạn với bệnh viện mà bạn muốn hiến. Sau đó thì làm theo những thủ tục mà luật quy định đã được nêu ở trên.
Người hiến tạng có những quyền lợi gì?
Căn cứ Điều 17 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác 2006 quy định quyền lợi của người đã hiến mô, bộ phận cơ thể người như sau:
1. Người đã hiến mô được chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến mô tại cơ sở y tế.
2. Người đã hiến bộ phận cơ thể người có các quyền lợi sau đây:
a) Được chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến bộ phận cơ thể người tại cơ sở y tế và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí;
b) Được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí;
c) Được ưu tiên ghép mô, bộ phận cơ thể người khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế;
d) Được tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
3. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể chế độ tài chính về khám sức khỏe định kỳ và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người đã hiến bộ phận cơ thể người.
Theo đó, người hiến tạng khi còn sống thì sẽ có những quyền lợi được nêu trên.
Trân trọng!
Vũ Thiên Ân