Chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động nước ngoài có cần phải chi trả trợ cấp thôi việc không?
Người lao động nước ngoài khi bị chấm dứt hợp đồng lao động có được chi trả trợ cấp thôi việc không?
Tại Điều 2 Bộ luật Lao động 2019 quy định đối tượng áp dụng như sau:
1. Người lao động, người học nghề, người tập nghề và người làm việc không có quan hệ lao động.
2. Người sử dụng lao động.
3. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.
Căn cứ Khoản 1 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm như sau:
1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật Lao động đối với người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật Lao động, trừ các trường hợp sau:
a) Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật Lao độngvà pháp luật về bảo hiểm xã hội;
b) Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật Lao động. Trường hợp được coi là có lý do chính đáng theo quy định tại khoản 4 Điều 125 của Bộ luật Lao động.
Theo Điều 34 Bộ luật Lao động 2019 quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động như sau:
1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.
2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
3. Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
4. Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tạikhoản 5 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
5. Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
6. Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.
…
Như vậy, theo quy định trên người lao động nước ngoài vẫn thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp thôi việc.
Trường hợp của chồng bạn đã làm việc tại Công ty trách nhiệm hữu hạn M được 18 tháng và đã kết thúc hợp đồng vì lý do hết hạn hợp đồng thì chồng bạn vẫn sẽ được nhận trợ cấp thôi việc nếu như không thuộc 1 trong 2 trường hợp mà luật quy định tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
Chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động nước ngoài có cần phải chi trả trợ cấp thôi việc không? (Hình từ Internet)
Người lao động nước ngoài có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không?
Tại Điều 43 Luật việc làm 2013 quy định đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp như sau:
1. Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:
a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;
b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
2. Người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
3. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều này.
Căn cứ Khoản 3 Điều 168 Bộ luật Lao động 2019 quy định tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp như sau:
3. Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Do đó, theo quy định trên người lao động nước ngoài nếu thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc thì khi kết thúc hợp đồng lao động người nước ngoài sẽ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Trường hợp người nước ngoài không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc thì khi kết thúc hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Trân trọng!
Vũ Thiên Ân