Các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng được xác nhận vốn như thế nào?
Xác nhận vốn về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng?
Tại Điều 4 Nghị định 92/2016/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 89/2019/NĐ-CP quy định về xác nhận vốn, như sau:
1. Văn bản xác nhận vốn được quy định như sau:
a) Đối với vốn góp bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ tự do chuyển đổi: Văn bản của tổ chức tín dụng xác nhận khoản tiền phong tỏa tại tổ chức tín dụng của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép; việc giải phóng khoản tiền phong tỏa tại tổ chức tín dụng chỉ được thực hiện sau khi tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoặc khi tổ chức, cá nhân nhận được văn bản thông báo từ chối cấp giấy phép;
b) Đối với vốn góp bằng tài sản trực tiếp phục vụ cho mục đích kinh doanh: Chứng thư thẩm định giá của tổ chức định giá có thẩm quyền xác nhận giá trị quy đổi thành tiền của tài sản tại thời điểm lập hồ sơ xin cấp phép theo quy định của pháp luật về thẩm định giá;
c) Đối với doanh nghiệp đang kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng tăng vốn, giảm vốn để đáp ứng quy định về vốn khi mở rộng, thu hẹp phạm vi kinh doanh, bổ sung, rút bớt ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khác quy định tại Nghị định này có thể sử dụng báo cáo tài chính đã được kiểm toán chấp nhận toàn phần của năm liền trước với thời điểm đề nghị hoặc văn bản bảo lãnh của ngân hàng làm văn bản xác nhận vốn hoặc báo cáo biến động vốn được kiểm toán tại thời điểm đề nghị.
2. Đối với doanh nghiệp kinh doanh nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong Nghị định này, mức vốn tối thiểu áp dụng là mức vốn cao nhất trong tất cả các ngành, nghề kinh doanh.
3. Tổ chức, cá nhân trực tiếp xác nhận vốn của doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của số liệu tại thời điểm xác nhận.
Xác nhận vốn về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng được quy định như trên.
Các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng được xác nhận vốn như thế nào? (Hình từ Internet)
Điều kiện kinh doanh vận tải hàng không là gì?
Theo Điều 5 Nghị định 92/2016/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Nghị định 89/2019/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh vận tải hàng không:
1. Đáp ứng các điều kiện về phương án bảo đảm có tàu bay khai thác, tổ chức bộ máy, vốn, phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm quy định tại Điều 6, 7, 8, 9 của Nghị định này.
2. Các quy định tại Chương này không áp dụng đối với lĩnh vực đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ thành viên tổ lái, giáo viên huấn luyện.
Điều kiện kinh doanh vận tải hàng không được quy định như trên.
Điều kiện tổ chức bộ máy về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng?
Căn cứ Điều 7 Nghị định 92/2016/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 1 Nghị định 89/2019/NĐ-CP có quy định như sau:
1. Có tổ chức bộ máy thực hiện hệ thống quản lý an toàn, an ninh, hoạt động khai thác tàu bay, bảo dưỡng tàu bay, huấn luyện bay, khai thác mặt đất.
2. Người được bổ nhiệm giữ vị trí phụ trách trong hệ thống quản lý an toàn, an ninh, khai thác tàu bay, bảo dưỡng tàu bay, huấn luyện bay phải có kinh nghiệm tối thiểu 03 năm công tác liên tục trong lĩnh vực được bổ nhiệm, có văn bằng, chứng chỉ được cấp hoặc công nhận theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng.
3. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, số thành viên là người nước ngoài không được vượt quá một phần ba tổng số thành viên tham gia bộ máy điều hành. Bộ máy điều hành để tính tỷ lệ theo yêu cầu của khoản này gồm:
a) Tổng Giám đốc (Giám đốc), các Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc);
b) Kế toán trưởng;
c) Người phụ trách các lĩnh vực: hệ thống quản lý an toàn; khai thác tàu bay; bảo dưỡng tàu bay; huấn luyện tổ bay và người giữ chức vụ tương đương xác định theo bộ máy tổ chức của doanh nghiệp.
Trên đây là điều kiện tổ chức bộ máy về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài