Đối với tiền gửi của cá nhân thì tổ chức tài chính vi mô có phải tham gia bảo hiểm tiền gửi không?
- 1. Tổ chức tài chính vi mô có phải tham gia bảo hiểm tiền gửi đối với tiền gửi của cá nhân không?
- 2. Cung cấp thông tin của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi như thế nào?
- 3. Số tiền bảo hiểm được trả như thế nào trong trường hợp nhiều người sở hữu chung tiền gửi được bảo hiểm tiền gửi?
1. Tổ chức tài chính vi mô có phải tham gia bảo hiểm tiền gửi đối với tiền gửi của cá nhân không?
Tại Điều 4 Nghị định 68/2013/NĐ-CP quy định tổ chức tham gia bảo hiềm tiền gửi, theo đó:
1. Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân, bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.
2. Tổ chức tài chính vi mô phải tham gia bảo hiểm tiền gửi đối với tiền gửi của cá nhân bao gồm cả tiền gửi tự nguyện của khách hàng tài chính vi mô, trừ tiền gửi tiết kiệm bắt buộc theo quy định của tổ chức tài chính vi mô.
3. Ngân hàng chính sách không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Như vậy, với quy định này, khi cá nhân gửi tiền vào tổ chức tài chính vi mô thì tổ chức tài chính vi mô phải tham gia bảo hiểm tiền gửi đối với tiền gửi của cá nhân bao gồm cả tiền gửi tự nguyện của khách hàng tài chính vi mô, trừ tiền gửi tiết kiệm bắt buộc theo quy định của tổ chức tài chính vi mô.
2. Cung cấp thông tin của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi như thế nào?
Căn cứ Điều 10 Nghị định 68/2013/NĐ-CP quy định cung cấp thông tin của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi, như sau:
1. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi được tiếp cận dữ liệu thông tin của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 13 Luật bảo hiểm tiền gửi.
2. Các thông tin được tiếp cận từ dữ liệu thông tin của Ngân hàng Nhà nước cụ thể như sau:
a) Một số chỉ tiêu báo cáo theo chế độ báo cáo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
b) Báo cáo tài chính của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi;
c) Thông tin về việc cấp Giấy phép, thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài; thông tin về việc tạm đình chỉ hoạt động nhận tiền gửi đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi;
d) Thông tin về việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi;
đ) Thông tin về việc kiểm soát đặc biệt tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định pháp luật về kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng;
e) Các thông tin khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ.
3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn cụ thể về các nội dung thông tin, phương thức tiếp cận thông tin của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.
Như vậy, việc cung cấp thông tin của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi được thực hiện theo quy định nêu trên.
3. Số tiền bảo hiểm được trả như thế nào trong trường hợp nhiều người sở hữu chung tiền gửi được bảo hiểm tiền gửi?
Theo Điều 25 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 quy định số tiền bảo hiểm được trả, theo đó:
1. Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bao gồm tiền gốc và tiền lãi, tối đa bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm quy định tại Điều 24 của Luật này.
2. Số tiền bảo hiểm được trả trong trường hợp nhiều người sở hữu chung tiền gửi được bảo hiểm tiền gửi được quy định như sau:
a) Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của nhiều người sở hữu chung tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bao gồm tiền gốc và tiền lãi, tối đa bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm cho một người quy định tại Điều 24 của Luật này. Số tiền bảo hiểm được trả sẽ được chia theo thỏa thuận của các đồng chủ sở hữu; trường hợp giữa các đồng chủ sở hữu không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì giải quyết theo quy định của pháp luật;
b) Trường hợp một trong các đồng chủ sở hữu có khoản tiền gửi khác được bảo hiểm tại cùng một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thì tổng số tiền bảo hiểm được trả cho một đồng chủ sở hữu không vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm.
3. Trường hợp người được bảo hiểm tiền gửi có khoản nợ tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thì số tiền gửi được bảo hiểm là số tiền còn lại sau khi trừ khoản nợ đó.
Do đó, số tiền bảo hiểm sẽ được trả trong trường hợp nhiều người sở hữu chung tiền gửi được bảo hiểm tiền gửi được quy định nêu trên.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài