Quy định về cung cấp thông tin về xung đột thông tin trên mạng?
- 1. Cung cấp thông tin về xung đột thông tin trên mạng được quy định như thế nào?
- 2. Nội dung giám sát, phát hiện và cảnh báo xung đột thông tin trên mạng?
- 3. Tiếp nhận và xử lý xung đột thông tin trên mạng thực hiện như thế nào?
- 4. Nội dung xác định nguồn gốc xung đột thông tin trên mạng?
- 5. Kết quả xác định nguồn gốc xung đột thông tin trên mạng?
1. Cung cấp thông tin về xung đột thông tin trên mạng được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 7 Nghị định 142/2016/NĐ-CP việc cung cấp cấp thông tin về xung đột thông tin trên mạng được quy định như sau:
1. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện thấy dấu hiệu, hành vi gây xung đột thông tin trên mạng hoặc khi phát hiện thấy thông tin, hệ thống thông tin bị tổn hại phải có trách nhiệm thông báo và cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan nghiệp vụ và chủ quản hệ thống thông tin.
2. Cơ quan nghiệp vụ có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin do các tổ chức, cá nhân thông báo về xung đột thông tin trên mạng và có trách nhiệm thông báo kết quả khắc phục xung đột thông tin trên mạng với tổ chức, cá nhân đã cung cấp thông tin khi được yêu cầu.
2. Nội dung giám sát, phát hiện và cảnh báo xung đột thông tin trên mạng?
Căn cứ Điều 8 Nghị định 142/2016/NĐ-CP quy định nội dung giám sát, phát hiện và cảnh báo xung đột thông tin trên mạng như sau:
1. Hoạt động giám sát, phát hiện, cảnh báo xung đột thông tin trên mạng phải được cơ quan nghiệp vụ và chủ quản hệ thống thông tin thực hiện thường xuyên, liên tục.
2. Các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia, các cổng kết nối quốc tế phải được triển khai các giải pháp giám sát, phát hiện và cảnh báo xung đột thông tin trên mạng.
3. Chủ quản hệ thống thông tin quan trọng quốc gia, các cổng kết nối quốc tế phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan nghiệp vụ để xây dựng, triển khai, huấn luyện, duy trì hệ thống giám sát, phát hiện và cảnh báo xung đột thông tin trên mạng.
4. Thông tin giám sát phải được cơ quan nghiệp vụ tiếp nhận, phân tích, xử lý và cảnh báo đến các tổ chức, cá nhân liên quan.
3. Tiếp nhận và xử lý xung đột thông tin trên mạng thực hiện như thế nào?
Theo Điều 9 Nghị định 142/2016/NĐ-CP quy định việc tiếp nhận và xử lý xung đột thông tin trên mạng thực hiện như sau:
1. Chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý xung đột thông tin trên mạng và phối hợp với cơ quan nghiệp vụ để ứng cứu sự cố và ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng.
2. Cơ quan nghiệp vụ có trách nhiệm tiếp nhận, phân tích, xử lý xung đột thông tin trên mạng giữa các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài được quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 19 Nghị định này.
3. Việc xử lý xung đột thông tin trên mạng phải được cơ quan nghiệp vụ thực hiện để không làm gia tăng mức độ xung đột và ngăn chặn không để xảy ra chiến tranh dưới mọi hình thức.
4. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông thống nhất một đầu mối tiếp nhận và xử lý xung đột thông tin trên mạng, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp thuận lợi trong việc cung cấp thông tin liên quan đến xung đột thông tin trên mạng.
4. Nội dung xác định nguồn gốc xung đột thông tin trên mạng?
Căn cứ Điều 10 Nghị định 142/2016/NĐ-CP nội dung xác định nguồn gốc xung đột thông tin trên mạng như sau:
Nội dung xác định nguồn gốc xung đột thông tin trên mạng bao gồm xác định gói tin, thông tin, địa chỉ nguồn, địa chỉ đích, cổng dịch vụ và cách thức, thủ đoạn xung đột thông tin trên mạng; xác định đối tượng, mục đích và mức độ gây xung đột thông tin trên mạng.
5. Kết quả xác định nguồn gốc xung đột thông tin trên mạng?
Theo Điều 11 Nghị định 142/2016/NĐ-CP kết quả xác định nguồn gốc xung đột thông tin trên mạng như sau:
1. Kết quả xác định nguồn gốc xung đột thông tin trên mạng là các tài liệu, bằng chứng, chứng cứ được các cơ quan nghiệp vụ thu thập bảo đảm tính khách quan, chính xác và khoa học.
2. Kết quả xác định nguồn gốc xung đột thông tin trên mạng được sử dụng hợp pháp trong tổ chức đấu tranh ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn