Có được nhận chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp với thành viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp không?
1. Thành viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp có được nhận chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp không?
Tại Điều 5 Nghị định 83/2018/NĐ-CP quy định đối tượng chuyển giao và đối tượng nhận chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, theo đó:
1. Đối tượng chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp
a) Tổ chức, cá nhân thuộc hệ thống tổ chức khuyến nông Nhà nước chuyên trách do cấp có thẩm quyền thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật;
b) Tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến hoạt động khuyến nông, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp;
c) Tổ chức, cá nhân khác bao gồm: tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội nghề nghiệp và tổ chức, cá nhân khác trong và ngoài nước có tham gia hoạt động khuyến nông, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam.
2. Đối tượng nhận chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp
a) Nông dân, chủ trang trại, tổ viên tổ hợp tác, thành viên hợp tác xã và các cá nhân khác hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp;
b) Tổ liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức khác hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo đó, với quy định này thì bạn là thành viên trong hợp tác xã thôn X hoạt động sản xuất nông nghiệp thì bạn thuộc đối tượng được nhận chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp.
2. Hình thức hoạt động khuyến nông, hình thức đặc thù chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp gồm những gì?
Theo Điều 11 Nghị định 83/2018/NĐ-CP quy định hình thức hoạt động khuyến nông, hình thức đặc thù chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, cụ thể như sau:
1. Hình thức hoạt động khuyến nông, hình thức đặc thù chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp ở trung ương bao gồm:
a) Chương trình khuyến nông trung ương (từ 05 đến 10 năm);
b) Kế hoạch nhiệm vụ khuyến nông thường xuyên (hàng năm);
c) Chương trình, kế hoạch chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp khác do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
2. Hình thức hoạt động khuyến nông, hình thức đặc thù chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp ở địa phương bao gồm:
a) Chương trình khuyến nông địa phương (từ 03 đến 05 năm);
b) Kế hoạch khuyến nông địa phương (hàng năm);
c) Chương trình, kế hoạch chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt.
3. Các hình thức hoạt động khuyến nông, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này được thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Như vậy, hình thức hoạt động khuyến nông, hình thức đặc thù chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp gồm những nội dung được quy định như trên.
3. Đối tượng nhận chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp được hỗ trợ những gì?
Căn cứ Điều 27 Nghị định 83/2018/NĐ-CP quy định chính sách bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo, theo đó:
1. Đối tượng nhận chuyển giao công nghệ
Được hỗ trợ tối đa 100% chi phí tài liệu, tiền ăn, đi lại, nơi ở trong thời gian tham dự đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, khảo sát học tập khuyến nông theo quy định hiện hành.
2. Đối tượng chuyển giao công nghệ
a) Được hỗ trợ tối đa 100% chi phí tài liệu, đi lại, tiền ăn, nơi ở trong thời gian tham dự đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, khảo sát học tập khuyến nông theo quy định hiện hành;
b) Người tham gia giảng dạy, trợ giảng, hướng dẫn tham quan, tổ chức lớp học được hưởng 100% các chế độ theo quy định hiện hành;
c) Ưu tiên đào tạo cán bộ khuyến nông là nữ, người dân tộc thiểu số.
Với quy định trên thì đối tượng nhận chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp được hỗ trợ tối đa 100% chi phí tài liệu, tiền ăn, đi lại, nơi ở trong thời gian tham dự đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, khảo sát học tập khuyến nông theo quy định hiện hành.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài