Quản lý, trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ bảo đảm an ninh hàng không như thế nào?
1. Quy định về quản lý, trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ bảo đảm an ninh hàng không?
Căn cứ Điều 104 Thông tư 13/2019/TT-BGTVT được sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 41/2020/TT-BGTVT quy định về quản lý, trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ bảo đảm an ninh hàng không như sau:
1. Những đối tượng dưới đây được trang bị, sử dụng vũ khí quân dụng khi làm nhiệm vụ:
a) Nhân viên kiểm soát an ninh hàng không khi đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp xảy ra tại cảng hàng không, sân bay, trên tàu bay;
b) Nhân viên kiểm soát an ninh hàng không khi làm nhiệm vụ trong thời gian thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không tăng cường cấp độ 1, cấp độ 2 và cấp độ 3;
c) Cán bộ cấp tổ, đội của lực lượng kiểm soát an ninh hàng không;
d) Nhân viên an ninh cơ động, nhân viên kiểm soát an ninh làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác ban đêm;
đ) Nhân viên an ninh trên không khi thực hiện nhiệm vụ được trang bị súng và đạn phù hợp sử dụng trên tàu bay.
2. Đối tượng được phép trang bị, sử dụng công cụ hỗ trợ:
a) Đối tượng nêu tại các điểm a, b, d và đ khoản 1 Điều này được trang bị, sử dụng một hoặc một số công cụ hỗ trợ sau: mũ chống đạn, áo chống đạn; lá chắn, găng tay điện; lựu đạn hơi cay; súng bắn hơi cay, súng bắn đạn nhựa, cao su; các loại phương tiện xịt hơi cay, gây mê; dùi cui điện, dùi cui cao su, khóa số tám;
b) Cán bộ cấp tổ, đội, nhân viên an ninh kiểm soát khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, canh gác tại khu vực đường cất hạ cánh, đường lăn, cổng, cửa vào, ra tiếp giáp sân bay, khu vực hạn chế, khu vực công cộng (nhà ga, bãi đỗ xe) được trang bị, sử dụng một hoặc một số công cụ hỗ trợ sau: súng bắn hơi cay, súng bắn đạn nhựa, cao su; dùi cui điện, dùi cui cao su, khóa số tám;
c) Cán bộ cấp tổ, đội, nhân viên kiểm soát an ninh hàng không thực hiện nhiệm vụ tăng cường đảm bảo an ninh cho chuyến bay, cưỡng chế, áp giải hành khách gây rối, hành khách bị từ chối nhập cảnh được trang bị, sử dụng một hoặc một số công cụ hỗ trợ sau: súng bắn hơi cay, súng bắn đạn nhựa, cao su; dùi cui điện, dùi cui cao su, khóa số tám;
d) Trưởng ca trực khi thực hiện nhiệm vụ tại điểm kiểm tra an ninh hàng không đối với hành khách, hành lý, hàng hóa được trang bị, sử dụng một hoặc một số công cụ hỗ trợ sau: súng bắn hơi cay; dùi cui điện, dùi cui cao su;
đ) Cán bộ cấp tổ, đội, nhân viên kiểm soát an ninh hàng không khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, áp tải hàng hóa ngoài phạm vi cảng hàng không, sân bay được trang bị, sử dụng một hoặc một số công cụ hỗ trợ sau: dùi cui điện, dùi cui cao su.
3. Bảo quản vũ khí, công cụ hỗ trợ:
a) Cán bộ cấp tổ, đội, nhân viên kiểm soát an ninh hàng không được trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ khi làm nhiệm vụ phải nghiêm chỉnh chấp hành chế độ kiểm tra, bảo quản vũ khí, công cụ hỗ trợ được trang bị. Khi hoàn thành nhiệm vụ hoặc kết thúc ca trực phải bàn giao vũ khí, công cụ hỗ trợ cho người có trách nhiệm để quản lý hoặc bàn giao cho người trực ca sau. Việc bàn giao vũ khí, công cụ hỗ trợ phải đảm bảo chặt chẽ và cập nhật vào sổ, có chữ ký của người nhận và người giao;
b) Đối với vũ khí, công cụ hỗ trợ sử dụng thường xuyên, đơn vị được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ phải có tủ đựng vũ khí, công cụ hỗ trợ riêng biệt, duy trì chế độ bảo dưỡng hàng ngày và tổ chức kiểm tra chất lượng bảo quản vào cuối tuần;
c) Đối với vũ khí, công cụ hỗ trợ không sử dụng thường xuyên phải bố trí người chuyên trách bảo quản, phải có kho, tủ riêng để bảo quản. Kho bảo quản vũ khí, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật an toàn phòng, chống cháy, nổ, có nội quy ra, vào kho; vũ khí, công cụ hỗ trợ bảo quản trong kho phải được bôi dầu, mỡ thường xuyên; phải sắp xếp hợp lý, để riêng từng chủng loại, nhãn hiệu. Hàng năm, các cơ quan, đơn vị phải thực hiện việc kiểm tra kỹ thuật, tiến hành bảo dưỡng theo đúng định kỳ và quy trình bảo dưỡng của nhà sản xuất;
d) Người được giao chuyên trách bảo quản vũ khí, công cụ hỗ trợ phải có phẩm chất đạo đức tốt, có trách nhiệm; đã qua lớp đào tạo, huấn luyện cơ bản về bảo quản, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ; chấp hành nghiêm chỉnh chế độ kiểm tra, bảo quản và có sổ sách theo dõi việc bảo quản vũ khí, công cụ hỗ trợ.
4. Người được trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ phải có chứng chỉ hoặc chứng nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của cơ quan có thẩm quyền cấp.
5. Các cơ quan, đơn vị được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ tổng hợp có trách nhiệm báo cáo Cục Hàng không Việt Nam về công tác quản lý vũ khí và công cụ hỗ trợ và đào tạo, huấn luyện về bảo quản, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, chi tiết báo cáo như sau:
a) Tên báo cáo: Báo cáo công tác quản lý vũ khí và công cụ hỗ trợ và đào tạo, huấn luyện về bảo quản, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ;
b) Nội dung báo cáo: Các nội dung liên quan đến công tác quản lý vũ khí và công cụ hỗ trợ và đào tạo, huấn luyện về bảo quản, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định tại Phụ lục XXIX ban hành kèm theo Thông tư này;
c) Phương thức gửi, nhận báo cáo: Báo cáo được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử. Báo cáo được gửi đến cơ quan nhận báo cáo bằng một trong các phương thức sau: gửi trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính, fax, qua hệ thống thư điện tử, hoặc các phương thức khác theo quy định của pháp luật;
d) Tần suất báo cáo: Định kỳ hàng năm;
đ) Thời hạn gửi báo cáo: Trước ngày ngày 20 tháng 12 hàng năm;
e) Thời gian chốt số liệu báo cáo: Từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo;
g) Mẫu đề cương báo cáo: Theo quy định tại Phụ lục XXIX ban hành kèm theo Thông tư này.
6. Đối tượng được trang bị sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ phải chấp hành các quy định chuyên ngành về quản lý, sử dụng, bảo quản, kiểm tra, bảo dưỡng vũ khí, công cụ hỗ trợ. Cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ chịu trách nhiệm ban hành quy định quản lý, sử dụng, bảo quản, kiểm tra, bảo dưỡng vũ khí, công cụ hỗ trợ trong chương trình, quy chế an ninh hàng không.
2. Quản lý rủi ro về an ninh hàng không như thế nào?
Tại Điều 105 Thông tư 13/2019/TT-BGTVT quy định về quản lý rủi ro về an ninh hàng không như sau:
1. Rủi ro an ninh hàng không là xác suất thực hiện thành công hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng đối với mục tiêu cụ thể, dựa trên đánh giá về đe dọa, hậu quả và yếu điểm hoặc hạn chế.
2. Báo cáo rủi ro an ninh hàng không là văn bản xác định mức độ rủi ro an ninh hàng không, bao gồm bối cảnh, các mối đe dọa, các yếu điểm hoặc hạn chế, hậu quả tác hại của các kịch bản khủng bố, can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng và đề xuất các giải pháp giảm thiểu nếu rủi ro an ninh hàng không ở mức không thể chấp nhận được.
3. Quản lý rủi ro về an ninh hàng không là mô hình tổng thể trong hệ thống các hoạt động hàng không nhằm giảm thiểu rủi ro đến mức thấp nhất, bao gồm: đánh giá rủi ro, thực hiện các biện pháp an ninh phòng ngừa và điều chỉnh các biện pháp đã được áp dụng.
4. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được pháp luật quy định có trách nhiệm trong công tác bảo đảm an ninh hàng không phải thực hiện quản lý rủi ro an ninh hàng không trong phạm vi trách nhiệm của mình; xây dựng báo cáo đánh giá rủi ro an ninh hàng không, định kỳ 06 tháng hoặc đột xuất (khi phát hiện các mối đe dọa, các hạn chế, yếu kém trong công tác bảo đảm an ninh hàng không tiềm ẩn nguy cơ cao), rà soát, sửa đổi, bổ sung báo cáo đánh giá rủi ro và phổ biến báo cáo đến cơ quan, đơn vị được đề cập trong báo cáo để áp dụng biện pháp giảm thiểu phù hợp.
5. Việc xây dựng, áp dụng các giải pháp, quy trình, thủ tục, quy chuẩn, tiêu chuẩn về an ninh hàng không hoặc xây dựng các kế hoạch, phương án trong bảo đảm an ninh hàng không, đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng phải căn cứ kết quả đánh giá rủi ro an ninh hàng không.
6. Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo tổ chức công tác quản lý rủi ro an ninh hàng không đối với các cơ quan, đơn vị ngành hàng không; tổ chức trao đổi với các cơ quan liên quan, thu thập thông tin, xây dựng báo cáo đánh giá, thực hiện quản lý rủi ro an ninh hàng không. Kết quả đánh giá rủi ro an ninh hàng không phải báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia theo quy định.
7. Người khai thác cảng hàng không, sân bay chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đánh giá và xác định mức độ rủi ro an ninh hàng không tại cảng hàng không, sân bay định kỳ 06 tháng một lần hoặc đột xuất.
8. Cục Hàng không Việt Nam thành lập hội đồng đánh giá rủi ro an ninh hàng không của ngành hàng không. Người khai thác cảng hàng không, sân bay thành lập hội đồng đánh giá rủi ro an ninh hàng không ở các cảng hàng không, sân bay. Các thành viên của hội đồng đánh giá rủi ro về an ninh hàng không hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn