Quy định như thế nào về trách nhiệm liên đới của vợ chồng đối với giao dịch do một bên thực hiện?
Trách nhiệm liên đới của vợ chồng đối với giao dịch do một bên thực hiện được quy định như thế nào?
Tại Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định:
Trách nhiệm liên đới của vợ, chồng
1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.
2. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này.
Theo đó, vợ chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện giữa vợ chồng trong các trường hợp sau:
- Trường hợp xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng;
- Trường hợp vợ chồng kinh doanh chung, khi đó giao dịch do vợ hoặc chồng thực hiện theo ý định, mong muốn của cả hai vợ chồng. Tài sản được sử dụng vào mục đích kinh doanh hai vợ chồng cùng phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với bên thứ ba trong quan hệ tài sản.
- Trường hợp đại diện giữa vợ và chồng trong việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản chung có giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên vợ hoặc chồng.
Trường hợp này được áp dụng khi tài sản liên quan đến nhà đất, động sản phải đăng ký…mà chỉ có tên vợ hoặc chồng, nhưng đó là tài sản chung của vợ chồng. Mọi giao dịch liên quan đến tài sản chung này đều do hai vợ chồng chịu trách nhiệm.
Như vậy, còn phải xem việc chồng bạn vay 300 triệu sử dụng vào mục đích gì:
- Nếu vay tiền để sử dụng trong kinh doanh chung của 02 vợ chồng góp phần vào tài sản chung thì lúc này bạn có trách nhiệm liên đới cùng chồng bạn để trả nợ.
- Nếu chồng bạn vay để sử dụng vào mục đích cá nhân: ăn chơi, tiêu xài, nhậu nhẹt, cờ bạc,... thì lúc này bạn mới không phải tham gia cùng trả.
Đại diện thực hiện giao dịch tài sản chung của vợ chồng?
Đại diện thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung của vợ chồng được quy định tại Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, cụ thể như sau:
- Trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên vợ hoặc chồng:
+ Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định, mà phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.
+ Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật thì người đó phải tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ có liên quan.
- Trong trường hợp vợ hoặc chồng có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản tự mình xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch với người thứ ba trái với quy định về đại diện giữa vợ và chồng của Luật này thì giao dịch đó vô hiệu, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật mà người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi.
Nơi cư trú của vợ chồng do người chồng quyết định có đúng không?
Theo Điều 20 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: Nơi cư trú của vợ, chồng do vợ, chồng lựa chọn không bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán, địa giới hành chính.
Tại Điều 14 Luật Cư trú 2020 quy định:
Nơi cư trú của vợ, chồng
1. Nơi cư trú của vợ, chồng là nơi vợ, chồng thường xuyên chung sống.
2. Vợ, chồng có thể có nơi cư trú khác nhau theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan.
Với các căn cứ nêu trên của pháp luật, thì quan điểm vợ phải theo chồng và nơi cư trú của vợ, chồng do người chồng quyết định là không đúng. Việc lựa chọn nơi cư trú do vợ, chồng thoả thuận.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập về quyết định nơi cư trú của vợ chồng. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Hôn nhân và gia đình 2014 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài