Từ chối kết quả trúng đấu giá trong Bộ Quốc phòng được quy định ra sao?
- 1. Từ chối kết quả trúng đấu giá trong Bộ Quốc phòng được quy định như thế nào?
- 2. Việc đấu giá không thành và lưu trữ hồ sơ đấu giá trong Bộ Quốc phòng được quy định ra sao?
- 3. Nguyên tắc quản lý, sử dụng và bảo đảm tài chính trong đấu giá trong Bộ Quốc phòng như thế nào?
- 4. Nội dung thu trong công tác loại khỏi biên chế và xử lý tài sản?
1. Từ chối kết quả trúng đấu giá trong Bộ Quốc phòng được quy định như thế nào?
Tại Điều 39 Thông tư 126/2020/TT-BQP có quy định về từ chối kết quả trúng đấu giá trong Bộ Quốc phòng như sau:
1. Khi Người điều hành đấu giá đã công bố người trúng đấu giá mà tại cuộc đấu giá người này từ chối kết quả trúng đấu giá thì người trả giá liền kề là người trúng đấu giá, nếu giá liền kề đó cộng với khoản tiền đặt trước ít nhất bằng giá đã trả của người từ chối kết quả trúng đấu giá và người trả giá liền kề chấp nhận mua tài sản đấu giá.
2. Trường hợp giá liền kề cộng với khoản tiền đặt trước nhỏ hơn giá đã trả của người từ chối kết quả trúng đấu giá hoặc người trả giá liền kề không chấp nhận mua tài sản đấu giá thì cuộc đấu giá không thành.
2. Việc đấu giá không thành và lưu trữ hồ sơ đấu giá trong Bộ Quốc phòng được quy định ra sao?
Tại Điều 40 Thông tư 126/2020/TT-BQP có quy định về việc đấu giá không thành trong Bộ Quốc phòng như sau:
1. Các trường hợp đấu giá không thành bao gồm:
a) Đã hết thời hạn đăng ký mà không có người đăng ký tham gia đấu giá;
b) Tại cuộc đấu giá không có người trả giá hoặc không có người chấp nhận giá;
c) Giá trả cao nhất mà vẫn thấp hơn giá khởi điểm trong trường hợp không công khai giá khởi điểm và cuộc đấu giá được thực hiện theo phương thức trả giá lên;
d) Người trúng đấu giá từ chối ký biên bản đấu giá theo quy định tại khoản 3 Điều 32 của Thông tư này;
đ) Đã hết thời hạn đăng ký mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá trong trường hợp đấu giá tài sản quy định tại Điều 37 của Thông tư này;
e) Người đã trả giá rút lại giá đã trả, người đã chấp nhận giá rút lại giá đã chấp nhận theo quy định tại Điều 38 của Thông tư này mà không có người trả giá tiếp;
g) Trường hợp từ chối kết quả trung đấu giá theo quy định tại Điều 39 của Thông tư này.
2. Khi cuộc bán đấu giá không thành, đơn vị có tài sản xử lý bán đấu giá báo cáo người có thẩm quyền quyết định xác định lại giá khởi điểm để tổ chức đấu giá hoặc bán trực tiếp công khai theo giá do Cục Tài chính thẩm định.
Tại Điều 41 Thông tư 126/2020/TT-BQP có quy định về lưu trữ hồ sơ đấu giá trong Bộ Quốc phòng như sau:
1. Đơn vị có tài sản đấu giá tài sản thực hiện việc lưu trữ hồ sơ đấu giá trong thời hạn 05 năm kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá.
2. Trình tự, thủ tục lưu trữ thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
3. Nguyên tắc quản lý, sử dụng và bảo đảm tài chính trong đấu giá trong Bộ Quốc phòng như thế nào?
Tại Điều 42 Thông tư 126/2020/TT-BQP có quy định về nguyên tắc quản lý, sử dụng và bảo đảm tài chính trong đấu giá trong Bộ Quốc phòng như sau:
1. Tài sản khi điều chuyển, tháo gỡ chi tiết, phụ tùng hoặc để phục hồi, sửa chữa, phục vụ sản xuất quốc phòng trong quá trình xử lý đều phải định giá để quản lý và được xác định phù hợp với giá thị trường tại thời điểm xử lý trên cơ sở đánh giá chất lượng còn lại.
2. Giá khởi điểm để đấu giá công khai do chỉ huy cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng xác định phù hợp với giá thị trường và hướng dẫn của cơ quan tài chính cấp trên, quy định của Bộ Quốc phòng.
3. Các khoản thu, chi từ xử lý tài sản phải được ghi chép phản ánh đầy đủ, kịp thời trên sổ kế toán và quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật hiện hành.
4. Việc quản lý, sử dụng các khoản thu từ xử lý và chi phí liên quan đến việc xử lý theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
4. Nội dung thu trong công tác loại khỏi biên chế và xử lý tài sản?
Tại Khoản 1 Điều 43 Thông tư 126/2020/TT-BQP có quy định về nội dung thu trong công tác loại khỏi biên chế và xử lý tài sản như sau:
1. Nội dung thu:
a) Tiền thu được từ nhượng bán, bán đấu giá vật liệu, vật phẩm thu hồi sau xử lý đạn dược quy định tại các điểm c và d khoản 3 Điều 13 Thông tư này;
b) Tiền thu được từ nhượng bán vật liệu, vật phẩm thu hồi trong quá trình tháo dỡ, hủy bỏ tài sản là công trình chiến đấu, công trình quốc phòng, nhà và tài sản gắn liền với đất quy định tại khoản 5 Điều 13 Thông tư này;
c) Tiền thu được từ bán đấu giá tài sản là trang bị kỹ thuật, thiết bị, vật tư hàng hóa quy định tại điểm d khoản 4 Điều 13 Thông tư này;
d) Tiền đặt trước trong bán đấu giá quy định tại khoản 6 Điều 28 Thông tư này;
đ) Các khoản thu từ xử lý khác có liên quan.
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân