Hội đồng xét xử sơ thẩm sẽ gồm 5 người trong trường hợp nào?
Hội đồng xét xử sơ thẩm sẽ gồm 5 người khi nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 254 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định Hội đồng xét xử sơ thẩm quy định như sau:
Thành phần Hội đồng xét xử
1. Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm. Trường hợp vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm.
Đối với vụ án có bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là tù chung thân, tử hình thì Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm.
2. Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm ba Thẩm phán.
Như vậy, trong vụ án hình sự ở cấp sơ thẩm vẫn có trường hợp Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm khi vụ án này có bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là tù chung thân, tử hình, có thể kể tới như: Tội giết người, Tội hiếp dâm, Tội mua bán trái phép chất ma túy..v.v.
Hội đồng xét xử sơ thẩm sẽ gồm 5 người trong trường hợp nào? (Hình từ Internet)
Phải có một Hội thẩm là giáo viên trong thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án?
Căn cứ Điều 423 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định xét xử đối với người dưới 18 tuổi như sau:
Xét xử
1. Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.
2. Trường hợp đặc biệt cần bảo vệ bị cáo, bị hại là người dưới 18 tuổi thì Tòa án có thể quyết định xét xử kín.
3. Phiên tòa xét xử bị cáo là người dưới 18 tuổi phải có mặt người đại diện của bị cáo, đại diện của nhà trường, tổ chức nơi bị cáo học tập, sinh hoạt, trừ trường hợp những người này vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.
4. Việc xét hỏi, tranh luận với bị cáo, bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi tại phiên tòa được tiến hành phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển của họ. Phòng xử án được bố trí thân thiện, phù hợp với người dưới 18 tuổi.
5. Đối với vụ án có bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi, Hội đồng xét xử phải hạn chế việc tiếp xúc giữa bị hại, người làm chứng với bị cáo khi bị hại, người làm chứng trình bày lời khai tại phiên tòa. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có thể yêu cầu người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hỏi bị hại, người làm chứng.
6. Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải quyết định hình phạt đối với bị cáo thì Hội đồng xét xử áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.
7. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết việc xét xử vụ án có người dưới 18 tuổi của Tòa gia đình và người chưa thành niên.
Như vậy, thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án không bắt buộc phải có một Hội thẩm là giáo viên mà có thể là cán bộ Đoàn thanh niên hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi theo quy định.
Có thể kháng nghị Quyết định hình sự sơ thẩm hay không?
Căn cứ khoản 1 Điều 27 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định như sau:.
Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm
1. Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm.
Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật này. Bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn do Bộ luật này quy định thì có hiệu lực pháp luật.
Bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
2. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới theo quy định của Bộ luật này thì được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Như vậy, đối với một quyết định sơ thẩm có thể có kháng nghị theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh