Đăng ký tạm trú, lưu trú và khai báo tạm vắng
Đăng ký tạm trú, lưu trú và khai báo tạm vắng được quy định tại các Điều 30, 31 và 32 của Luật Cư trú.
Đăng ký tạm trú, theo quy định của Luật Cư trú, là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú và cấp sổ tạm trú cho họ. Cụ thể là, người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn.
Người đến đăng ký tạm trú phải xuất trình: Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có xác định của Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó đã đăng ký thường trú; giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở đó; nộp phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, bản khai nhân khẩu. Trường hợp chỗ ở hợp pháp là nhà do thuê, mượn hoặc ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ nói trên, Trưởng Công an xã, phường, thị trấn phải cấp sổ tạm trú theo mẫu quy định của Bộ Công an. Sổ tạm trú này có giá trị xác định nơi tạm trú của công dân và không xác định thời hạn. Như vậy, về mặt pháp lý, sổ tạm trú được coi gần như sổ hộ khẩu.
Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định rằng, người đã đăng ký tạm trú nhưng không sinh sống, làm việc, lao động, học tập từ 6 tháng trở lên tại địa phương đã đăng ký tạm trú thì cơ quan đã cấp sổ tạm trú phải xóa tên người đó trong sổ đăng ký tạm trú.
Lưu trú, theo quy định của Luật Cư trú, là việc công dân ở lại trong một thời gian nhất định tại địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn ngoài nơi cư trú của mình và không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú. Như vậy, khái niệm "tạm trú vãng lai" được thay đổi bằng khái niệm lưu trú. Sự thay đổi này nhằm phân biệt rõ khái niệm "lưu trú" với khái niệm "cư trú".
Quy định này nhằm đơn giản hóa thủ tục đối với việc quản lý khách vãng lai đi thăm người thân, đi du lịch, chữa bệnh… và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân. Theo đó, người dân không phải làm thủ tục đăng ký quá chặt chẽ như đăng ký thường trú, tạm trú, mà chỉ cần thông báo việc lưu trú với Công an xã, phường, thị trấn bằng hình thức đến trực tiếp hoặc gọi điện thoại.
Việc thông báo lưu trú do gia đình, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở khác thực hiện khi có người từ đủ 14 tuổi trở lên đến lưu trú. Đây là bước cải tiến mới, đơn giản thuận tiện hơn cho nên có tính khả thi cao. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23h. Nếu người đến lưu trú sau 23h thì thông báo lưu trú vào sáng hôm sau. Trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần.
Về khai báo tạm vắng theo quy định của pháp luật hiện hành, tất cả mọi công dân từ 15 tuổi trở lên có việc riêng phải vắng mặt qua đêm khỏi quận, thành phố, thị xã, huyện nơi đang thường trú của mình đều phải khai báo tạm vắng. Nay theo quy định tại Điều 32 Luật Cư trú đã thu hẹp tối đa diện đối tượng phải khai báo tạm vắng và chỉ còn một số người dưới đây:
Bị can, bị cáo đang tại ngoại, người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án, hoặc được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo; người bị phạt cải tạo không giam giữ; người đang bị quản chế; người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ thi hành khi đi khỏi nơi cư trú từ một ngày trở lên có trách nhiệm khai báo tạm vắng.
Người trong độ tuổi làm nghĩa vụ Quân sự, dự bị động viên đi khỏi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi mình cư trú từ 3 tháng trở lên có trách nhiệm khai báo tạm vắng
Thư Viện Pháp Luật