Lái xe máy điện khi dưới 14 tuổi được không?
Trẻ em dưới 14 tuổi có được lái xe máy điện hay không?
Căn cứ tại Điều 60 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định về tuổi, sức khỏe của người lái xe được quy định như sau:
Tuổi, sức khỏe của người lái xe
1. Độ tuổi của người lái xe quy định như sau:
a) Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;
b) Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;
c) Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2);
d) Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC);
đ) Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD);
e) Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.
2. Người lái xe phải có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khoẻ của người lái xe.
Bên cạnh đó, điểm d khoản 1 Điều 3 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định giải thích về xe máy điện như sau:
d) Xe máy điện là xe gắn máy được dẫn động bằng động cơ điện có công suất lớn nhất không lớn hơn 4 kW, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h;
Như vậy, xe máy điện là xe gắn máy và người đủ 16 tuổi trở lên mới được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3. Vậy nên, trong trường hợp của anh thì con gái của bạn mới 13 tuổi nên chưa được lái xe máy điện.
Trẻ em dưới 14 tuổi có được lái xe máy điện hay không? (Hình từ Internet)
Mức xử phạt đối với trẻ em dưới 14 tuổi khi lái xe máy điện như thế nào?
Tại Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP có quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe cơ giới như sau:
1. Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô.
Căn cứ Điều 134 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi khoản 68 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về nguyên tắc xử lý như sau:
Ngoài những nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính quy định tại Điều 3 của Luật này, việc xử lý đối với người chưa thành niên còn được áp dụng các nguyên tắc sau đây:
1. Việc xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.
Trong quá trình xem xét xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên. Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng chỉ được áp dụng khi xét thấy không có biện pháp xử lý khác phù hợp hơn;
2. Việc xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính còn căn cứ vào khả năng nhận thức của người chưa thành niên về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm, nguyên nhân và hoàn cảnh vi phạm để quyết định việc xử phạt hoặc áp dụng biện pháp xử lý hành chính phù hợp;
3. Việc áp dụng hình thức xử phạt, quyết định mức xử phạt đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính phải nhẹ hơn so với người thành niên có cùng hành vi vi phạm hành chính.
Trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình thức phạt tiền.
Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên; bị buộc phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 126 của Luật này thì số tiền nộp vào ngân sách nhà nước bằng 1/2 trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Trường hợp không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc, phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay;
4. Trong quá trình xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính, bí mật riêng tư của người chưa thành niên phải được tôn trọng và bảo vệ;
5. Các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính phải được xem xét áp dụng khi có đủ các điều kiện quy định tại Chương II của Phần này. Việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính không được coi là đã bị xử lý vi phạm hành chính.
Căn cứ Điều 138 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 được bổ sung bởi khoản 69 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính như sau:
1. Nhắc nhở;
2. Quản lý tại gia đình.
3. Giáo dục đưa vào cộng đồng
Theo đó, trường hợp người dưới 14 tuổi đang là trẻ chưa thành niên nên khi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính với hình thức phạt tiền. Tuy nhiên, khi trẻ chưa thành niên vi phạm hành chính sẽ áp dụng một trong các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính như sau: Nhắc nhở; quản lý tại gia đình hoặc giáo dục đưa vào cộng đồng.
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo