Có phát sinh hiệu lực Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông không khi không có chữ ký của chủ tọa và thư ký?

Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông có phát sinh hiệu lực không khi không có chữ ký của chủ tọa và thư ký? Cổ đông có được ủy quyền cho 2 người dự họp Đại hội đồng cổ đông không? Luật Doanh nghiệp 2020 có mở rộng quyền triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông của cổ đông phổ thông?

Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông có phát sinh hiệu lực không khi không có chữ ký của chủ tọa và thư ký?

Tại khoản 1 Điều 150 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về biên bản họp Đại hội đồng cổ đông như sau:

Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông
Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông phải được ghi biên bản và có thể ghi âm hoặc ghi và lưu giữ dưới hình thức điện tử khác. Biên bản phải lập bằng tiếng Việt, có thể lập thêm bằng tiếng nước ngoài và phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
- Tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp;
- Thời gian và địa điểm họp Đại hội đồng cổ đông;
- Chương trình và nội dung cuộc họp;
- Họ, tên chủ tọa và thư ký;
.....
- Họ, tên, chữ ký của chủ tọa và thư ký.
Trường hợp chủ tọa, thư ký từ chối ký biên bản họp thì biên bản này có hiệu lực nếu được tất cả thành viên khác của Hội đồng quản trị tham dự họp ký và có đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản này. Biên bản họp ghi rõ việc chủ tọa, thư ký từ chối ký biên bản họp.

Như vậy, trường hợp biên bản họp Đại hội đồng cổ đông không có chữ ký của chủ tọa và thư ký thì vẫn có hiệu lực nếu được tất cả thành viên khác của Hội đồng quản trị tham dự họp ký và có đầy đủ nội dung theo quy định. Ngoài ra, trong biên bản phải ghi rõ việc chủ tọa, thư ký từ chối ký biên bản họp.

Đại hội đồng cổ đông (Hình từ Internet)

Cổ đông có được ủy quyền cho 2 người dự họp Đại hội đồng cổ đông không?

Điều 144 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về việc thực hiện quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông như sau:

Thực hiện quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông
1. Cổ đông, người đại diện theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức có thể trực tiếp tham dự họp, ủy quyền bằng văn bản cho một hoặc một số cá nhân, tổ chức khác dự họp hoặc dự họp thông qua một trong các hình thức quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Việc ủy quyền cho cá nhân, tổ chức đại diện dự họp Đại hội đồng cổ đông phải lập thành văn bản. Văn bản ủy quyền được lập theo quy định của pháp luật về dân sự và phải nêu rõ tên cá nhân, tổ chức được ủy quyền và số lượng cổ phần được ủy quyền. Cá nhân, tổ chức được ủy quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông phải xuất trình văn bản ủy quyền khi đăng ký dự họp trước khi vào phòng họp.
.....

Theo đó, cổ đông được ủy quyền bằng văn bản cho 1 số cá nhân dự họp đại hội đồng cổ đông. Pháp luật không giới hạn số lượng người được ủy quyền. Do đó bạn có thể ủy quyền cho 2 người thay mình tham dự họp đại hội đồng cổ đông.

Luật Doanh nghiệp 2020 có mở rộng quyền triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông của cổ đông phổ thông?

Theo khoản 3 Điều 116 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định cổ phần ưu đãi biểu quyết và quyền của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết:

Cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều này có quyền yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp sau đây:
- Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao;
- Trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.

Như vậy, quy định mới đã bãi bỏ trường hợp cổ đông hoặc nhóm cổ đông có quyền triệu tập Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị đã vượt quá 06 tháng mà Hội đồng quản trị mới chưa được bầu thay thế.

Điều này cho thấy Luật Doanh nghiệp 2020 đã thu hẹp phạm vi triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông của cổ đông phổ thông.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Đại hội đồng cổ đông

Nguyễn Minh Tài

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào