Mức tối đa chi phí thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển trong quá trình lựa chọn nhà thầu là bao nhiêu?
- Mức tối đa chi phí trong thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển trong quá trình lựa chọn nhà thầu là bao nhiêu?
- Nhà thầu trúng thầu không đáp ứng điều kiện thực hiện gói thầu thì nhà thầu liền kề có được thay thế ký hợp đồng không?
- Chủ đầu tư có được yêu cầu nhà thầu cung cấp hồ sơ năng lực phòng cháy chữa cháy?
Mức tối đa chi phí trong thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển trong quá trình lựa chọn nhà thầu là bao nhiêu?
Căn cứ khoản 2 Điều 9 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu như sau:
Chi phí lập, thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển:
- Chi phí lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển được tính bằng 0,05% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 1.000.000 đồng và tối đa là 30.000.000 đồng;
- Chi phí thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển được tính bằng 0,03% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 1.000.000 đồng và tối đa là 30.000.000 đồng.
Theo đó, mức tối đa chi phí thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển ở trong quá trình lựa chọn nhà thầu không quá 30.000.000 đồng.
Mức tối đa chi phí thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển trong quá trình lựa chọn nhà thầu là bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Nhà thầu trúng thầu không đáp ứng điều kiện thực hiện gói thầu thì nhà thầu liền kề có được thay thế ký hợp đồng không?
Theo khoản 13 Điều 117 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định các xử lý khi nhà trúng thầu không đủ điều kiện thực hiện gói thầu, cụ thể như sau:
Trường hợp tại thời điểm ký kết hợp đồng, nhà thầu trúng thầu không đáp ứng điều kiện về năng lực kỹ thuật, tài chính quy định tại Khoản 2 Điều 64 của Luật Đấu thầu thì mời nhà thầu xếp hạng tiếp theo vào thương thảo hợp đồng. Trong trường hợp này, nhà thầu được mời vào thương thảo hợp đồng phải khôi phục lại hiệu lực của hồ sơ dự thầu và bảo đảm dự thầu trong trường hợp hồ sơ dự thầu hết hiệu lực và bảo đảm dự thầu của nhà thầu đã được hoàn trả hoặc giải tỏa.
Như vậy, trong giai đoạn ký hợp đồng, nhà thầu trúng thầu không đáp ứng điều kiện thực hiện gói thầu thì nhà thầu xếp hạng tiếp theo vào thương thảo hợp đồng.
Chủ đầu tư có được yêu cầu nhà thầu cung cấp hồ sơ năng lực phòng cháy chữa cháy?
Căn cứ Điều 16 Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu thì:
1. Sau khi mở thầu, nhà thầu có trách nhiệm làm rõ hồ sơ dự thầu theo yêu cầu của bên mời thầu. Trường hợp hồ sơ dự thầu của nhà thầu thiếu tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm thì bên mời thầu yêu cầu nhà thầu làm rõ, bổ sung tài liệu để chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm. Đối với các nội dung đề xuất về kỹ thuật, tài chính nêu trong hồ sơ dự thầu của nhà thầu, việc làm rõ phải bảo đảm nguyên tắc không làm thay đổi nội dung cơ bản của hồ sơ dự thầu đã nộp, không thay đổi giá dự thầu.
2. Trường hợp sau khi đóng thầu, nếu nhà thầu phát hiện hồ sơ dự thầu thiếu các tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm thì nhà thầu được phép gửi tài liệu đến bên mời thầu để làm rõ về tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm của mình. Bên mời thầu có trách nhiệm tiếp nhận những tài liệu làm rõ của nhà thầu để xem xét, đánh giá; các tài liệu bổ sung, làm rõ về tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm được coi như một phần của hồ sơ dự thầu.
3. Việc làm rõ hồ sơ dự thầu chỉ được thực hiện giữa bên mời thầu và nhà thầu có hồ sơ dự thầu cần phải làm rõ và phải bảo đảm nguyên tắc không làm thay đổi bản chất của nhà thầu tham dự thầu. Nội dung làm rõ hồ sơ dự thầu phải thể hiện bằng văn bản và được bên mời thầu bảo quản như một phần của hồ sơ dự thầu.
Chủ đầu tư được quyền yêu cầu nhà thầu làm rõ về tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm của mình khi tham dự gói thầu và đảm bảo không làm thay đổi bản chất của nhà thầu. Đối chiếu với trường hợp của bạn, nhà đầu tư yêu cầu bên mình cung cấp hồ sơ năng lực PCCC để làm rõ năng lực của công ty mình là phù hợp với quy định này.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài