Người lao động nước ngoài đang làm việc tại công ty thì có phải đóng bảo hiểm thất nghiệp không?
Có phải đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động nước ngoài không?
Theo quy định pháp luật hiện hành, trường hợp sử dụng người lao động là công dân Việt Nam, doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ tham gia các loại bảo hiểm cho người lao động với tỷ lệ đóng cụ thể như sau: Bảo hiểm xã hội (17%), bảo hiểm thất nghiệp (1%), bảo hiểm y tế (3%), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (0,5%).
Tuy nhiên, khi sử dụng lao động là người nước ngoài, doanh nghiệp không phải thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 43 Luật việc làm 2013 quy định đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp, khoản 1 Điều 3 Luật việc làm 2013 quy định giải thích từ ngữ:
Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp được xác định là người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc, đồng thời đang làm việc theo các loại hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc theo quy định của Bộ luật Lao động.
Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Như vậy, trường hợp doanh nghiệp bên chị sử dụng người lao động nước ngoài thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho những người lao động này. Ngoài ra, các chế độ bảo hiểm bắt buộc khác áp dụng tương tự đối với trường hợp sử dụng người lao động là công dân Việt Nam.
Người lao động nước ngoài đang làm việc tại công ty thì có phải đóng bảo hiểm thất nghiệp không? (Hình từ Internet)
Phải đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục 12 tháng mới được nhận trợ cấp?
Căn cứ Điều 49 Luật việc làm 2013 quy định người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hay hợp đồng làm việc có xác định hoặc không xác định thời hạn đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp:
+ Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
+ Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật Việc làm;
- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật Việc làm;
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
+ Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
+ Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
+ Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
+ Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
+ Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
+ Chết.
Theo đó, bạn phải đảm bảo có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, ngoài ra còn đáp ứng thêm các điều kiện đã liệt kê nêu trên thì sẽ được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp.
Theo khoản 1 Điều 45 Luật việc làm 2013 quy định về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp như sau:
Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo đó, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp có thể là thời gian đóng liên tục hoặc không liên tục. Được tính từ khi bạn bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến lúc chấm dứt hợp đồng lao động mà chưa nhận trợ cấp thất nghiệp.
Dựa vào căn cứ nêu trên và thông tin bạn cung cấp, bạn đóng 10 tháng bảo hiểm thất nghiệp rồi nghỉ, sau đó đóng thêm 2 tháng nữa thì vẫn đảm bảo về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để hưởng trợ cấp.
Giám đốc công ty cổ phần có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp?
Căn cứ khoản 1 Điều 162 Luật Doanh nghiệp 2020 thì hội đồng quản trị bổ nhiệm một người trong số họ hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Tại Điều 43 Luật việc làm 2013 quy định về người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:
Nười lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc
- Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;
- Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
- Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Như vậy, nếu bạn đang là giám đốc công ty cổ phần được thuê bằng hợp đồng lao động thì có thể hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài