Có được khiếu nại quyết định điều động công chức?
Quyết định điều động công chức có được khiếu nại?
Căn cứ khoản 1 Điều 11 Luật khiếu nại 2011 quy định các khiếu nại không được thụ lý giải quyết:
Các khiếu nại không được thụ lý giải quyết
Quyết định hành chính, hành vi hành chính trong nội bộ cơ quan nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ; quyết định hành chính, hành vi hành chính trong chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới; quyết định hành chính có chứa đựng các quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định thuộc các khiếu nại không được thụ lý giải quyết.
Về bản chất, có thể thấy quyết định điều động cán bộ là một quyết định hành chính mang tính chất nội bộ trong cơ quan nhà nước, là một phần của hoạt động tổ chức và duy trì hoạt động của bộ máy công quyền.
Do vậy, quyết định điều động này không thuộc đối tượng để khiếu nại.
Quyết định điều động công chức có được khiếu nại? (Hình từ Internet)
Có bắt buộc lập biên bản khi tổ chức đối thoại khi giải quyết khiếu nại?
Tại Điều 4 Luật khiếu nại 2011 có quy định nguyên tắc khiếu nại và giải quyết khiếu nại:
Nguyên tắc khiếu nại và giải quyết khiếu nại
- Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại; việc đối thoại phải tiến hành công khai, dân chủ.
- Người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan biết thời gian, địa điểm, nội dung việc đối thoại.
- Khi đối thoại, người giải quyết khiếu nại phải nêu rõ nội dung cần đối thoại, kết quả xác minh nội dung khiếu nại; người tham gia đối thoại có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ liên quan đến khiếu nại và yêu cầu của mình.
- Việc đối thoại phải được lập thành biên bản; biên bản phải ghi rõ ý kiến của những người tham gia, kết quả đối thoại, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tham gia; trường hợp người tham gia đối thoại không ký, điểm chỉ xác nhận thì phải ghi rõ lý do; biên bản này được lưu vào hồ sơ vụ việc khiếu nại.
Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại.
Như vậy, việc tổ chức đối thoại trong giải quyết khiếu nại bắt buộc phải lập thành biên bản.
Thời hiệu khiếu nại sẽ là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính?
Căn cứ Điều 9 Luật khiếu nại 2011 quy định thời hiệu khiếu nại như sau:
Thời hiệu khiếu nại
Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
Như vậy, có thể thấy thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính. Do đó, không chỉ đặt ra trường hợp nhận được quyết định mà còn biết được về quyết định, hành vi hành chính này.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn