Quy định về kiểm tra, giám sát an ninh khu vực công cộng của cảng hàng không, sân bay?
Kiểm tra, giám sát an ninh khu vực công cộng của cảng hàng không, sân bay được thực hiện như thế nào?
Căn cứ Điều 38 Thông tư 13/2019/TT-BGTVT được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 Thông tư 41/2020/TT-BGTVT quy định về kiểm tra, giám sát an ninh khu vực công cộng của cảng hàng không, sân bay như sau:
1. Người, phương tiện đi lại và hoạt động tại các khu vực công cộng phải tuân thủ quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, các quy định của cảng hàng không, sân bay, chấp hành theo sự hướng dẫn của lực lượng kiểm soát an ninh hàng không, chấp hành quy định về đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn văn minh, lịch sự.
2. Người khai thác cảng hàng không chủ trì, phối hợp với lực lượng kiểm soát an ninh hàng không, lực lượng công an (đối với những cảng hàng không có lực lượng công an làm nhiệm vụ thường xuyên tại cảng) và Cảng vụ hàng không quyết định số lượng, vị trí, thời gian hoạt động của các điểm kiểm soát an ninh hàng không; phân luồng, tuyến, thời gian dừng, đỗ phương tiện, các khu vực hoạt động đón, tiễn của hành khách, khu vực cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại khu vực công cộng cảng hàng không.
3. Lực lượng kiểm soát an ninh hàng không bố trí nhân viên kiểm soát an ninh hàng không để kiểm soát an ninh hàng không, hướng dẫn người và phương tiện tham gia giao thông; điều tiết số lượng người, phương tiện vào, hoạt động tại khu vực sân đỗ ô tô, luồng giao thông nội cảng, khu vực làm thủ tục hàng không và các khu vực công cộng khác tại cảng hàng không, sân bay; phối hợp với lực lượng công an duy trì trật tự tại các khu vực công cộng của cảng hàng không, sân bay; phối hợp với Cảng vụ hàng không liên quan, lực lượng công an, quân đội, chính quyền địa phương trong trường hợp cần tăng cường bảo đảm an ninh hàng không, trật tự công cộng, xử lý vi phạm.
4. Việc bố trí lực lượng tuần tra, giám sát, thiết bị chuyên dụng, trình tự kiểm tra, giám sát an ninh phải bảo đảm phát hiện và xử lý kịp thời đồ vật, hành lý, hàng hóa, phương tiện không xác nhận được chủ, hành vi gây rối, vi phạm pháp luật tại khu vực công cộng của cảng hàng không, sân bay và phải được mô tả cụ thể trong quy chế an ninh hàng không của đơn vị cung cấp dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không.
5. Đồ vật, hành lý, tài sản của hành khách đi tàu bay hoặc người đưa tiễn gửi ở khu vực trông giữ tại khu vực công cộng của nhà ga hành khách phải được kiểm tra an ninh hàng không bằng các biện pháp thích hợp trước khi tiếp nhận.
6. Đối với nhà ga hàng hóa, nhà kho hàng hóa, đơn vị quản lý khai thác nhà ga, nhà kho chịu trách nhiệm tổ chức phân luồng, tuyến; quy định thời gian dừng, đỗ phương tiện, điều tiết số lượng người, phương tiện vào, hoạt động tại khu vực thuộc nhà ga, nhà kho; quy định các khu vực bốc dỡ, chất xếp, dừng đỗ phương tiện, khu vực cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, khu vực làm thủ tục hàng không và các khu vực công cộng khác thuộc phạm vi trách nhiệm; phối hợp với lực lượng kiểm soát an ninh hàng không, công an duy trì trật tự chung tại cảng hàng không, sân bay; phối hợp với Cảng vụ hàng không liên quan, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không, lực lượng công an, quân đội, chính quyền địa phương trong trường hợp cần tăng cường bảo đảm an ninh hàng không, trật tự công cộng, xử lý vi phạm.
7. Bố trí, lắp đặt các rào cản thích hợp hoặc thực hiện kiểm soát an ninh bằng biện pháp phù hợp với đánh giá rủi ro an ninh hàng không để ngăn chặn việc người, phương tiện tiếp cận trái phép hoặc ngăn chặn việc đưa, ném đồ vật vào khu vực hạn chế trái phép.
8. Đường giao thông trước cửa nhà ga hành khách, hàng hóa, bãi đỗ xe mô tô, ô tô trước cửa nhà ga hành khách, hàng hóa phải thiết lập điểm kiểm soát để điều tiết xe mô tô, ô tô vào, ra và kiểm tra an ninh hàng không khi cần. Bãi đỗ xe mô tô, ô tô ngắn hạn (cho phép đỗ xe mô tô, ô tô dưới 24 giờ) không được bố trí liền kề nhà ga (trừ trường hợp bãi đỗ phương tiện chở hàng hóa, bưu gửi tiếp cận nhà ga hàng hóa, nhà kho hàng hóa để bốc dỡ, chất xếp hàng hóa, bưu gửi), đài kiểm soát không lưu, trạm cấp điện cho nhà ga, trạm cấp điện cho đài kiểm soát không lưu.
9. Đường giao thông trước cửa nhà ga, đài kiểm soát không lưu phải cách nhà ga tối thiểu 30 mét. Liền kề đường giao thông trước cửa nhà ga hành khách, hàng hóa, bãi đỗ xe mô tô, ô tô trước cửa nhà ga hành khách, hàng hóa phải bố trí các vật cản cố định hoặc di động để ngăn chặn việc dùng phương tiện giao thông tấn công vào nhà ga, sân bay. Quy định này được áp dụng đối với các công trình nhà ga, đài kiểm soát không lưu được phê duyệt thiết kế xây dựng sau ngày 01 tháng 7 năm 2021
Người, phương tiện đi lại và hoạt động tại các khu vực công cộng phải tuân thủ quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, quy định của cảng hàng không, sân bay, chấp hành theo sự hướng dẫn của lực lượng kiểm soát an ninh hàng không, chấp hành quy định về đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn văn minh, lịch sự.
Người khai thác cảng hàng không chủ trì, phối hợp với lực lượng kiểm soát an ninh hàng không, lực lượng công an và Cảng vụ hàng không quyết định số lượng, vị trí, thời gian hoạt động của các điểm kiểm soát an ninh hàng không; phân luồng, tuyến, thời gian dừng, đỗ phương tiện, các khu vực hoạt động đón, tiễn của hành khách, khu vực cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại khu vực công cộng cảng hàng không.
Kiểm tra, giám sát an ninh khu vực công cộng của cảng hàng không, sân bay được thực hiện như thế nào? (Hình từ Internet)
Việc bảo đảm an ninh khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 39 Thông tư 13/2019/TT-BGTVT được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 Thông tư 41/2020/TT-BGTVT quy định việc bảo đảm an ninh khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay như sau:
1. Cảng vụ hàng không chủ trì cùng với người khai thác cảng hàng không, sân bay phối hợp với Ủy ban nhân dân địa phương liên quan thực hiện công tác tuyên truyền các quy định về an ninh, an toàn hàng không cho người dân cư trú trong khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay.
2. Cảng vụ hàng không cùng với lực lượng kiểm soát an ninh hàng không có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương liên quan trong việc bảo đảm thực hiện các quy định về an ninh hàng không; ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật tại khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay.
3. Cảng vụ hàng không, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, cơ quan, đơn vị liên quan tại địa phương tổ chức đánh giá các vị trí có nguy cơ tấn công tàu bay bằng tên lửa phòng không vác vai, thiết bị bay không người lái.
4. Cảng vụ hàng không, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không phối hợp với công an các cấp khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay xây dựng và thực hiện phương án phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi can thiệp bất hợp pháp tại cảng hàng không, sân bay đối với tàu bay, việc sử dụng tên lửa phòng không vác vai và các loại vũ khí khác để tấn công tàu bay trong giai đoạn cất, hạ cánh.
5. Lực lượng kiểm soát an ninh hàng không của các cơ quan, đơn vị phối hợp với công an địa phương liên quan tuần tra khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay, khu vực hạn chế bên ngoài cảng hàng không, sân bay khi có yêu cầu nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.
Cảng vụ hàng không chủ trì cùng với người khai thác cảng hàng không, sân bay phối hợp với Ủy ban nhân dân địa phương liên quan thực hiện công tác tuyên truyền các quy định về an ninh, an toàn hàng không cho người dân cư trú trong khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay. Cảng vụ hàng không cùng với lực lượng kiểm soát an ninh hàng không có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương liên quan trong việc bảo đảm thực hiện các quy định về an ninh hàng không; ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật tại khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn