Bị thiểu năng có được kết hôn không?
Có được kết hôn khi bị thiểu năng hay không?
Căn cứ Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định điều kiện kết hôn như sau:
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Tại khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định các hành vi cấm như sau:
2. Cấm các hành vi sau đây:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;"
Căn cứ Điều 22 Bộ luật dân sự 2015 quy định giải thích về mất năng lực hành vi dân sự như sau:
1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
Theo quy định trên, đối với người bị thiểu năng trí tuệ nhưng không bị mất năng lực hành vi dân sự thì vẫn được kết hôn theo quy định pháp luật.
Căn cứ Điều 2 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định về việc Ủy quyền đăng ký hộ tịch như sau:
1. Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch theo quy định tại Điều 3 Luật hộ tịch (sau đây gọi là yêu cầu đăng ký hộ tịch) được uỷ quyền cho người khác thực hiện thay; trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con thì không được ủy quyền cho người khác thực hiện, nhưng một bên có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền, không phải có văn bản ủy quyền của bên còn lại.
Việc ủy quyền phải lập thành văn bản, được chứng thực theo quy định của pháp luật. Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải chứng thực.
2. Trường hợp người đi đăng ký khai sinh cho trẻ em là ông, bà, người thân thích khác theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật hộ tịch thì không phải có văn bản ủy quyền của cha, mẹ trẻ em, nhưng phải thống nhất với cha, mẹ trẻ em về các nội dung khai sinh.
Việc đăng ký kết hôn không được ủy quyền cho người khác. Hai bên nam, nữ phải trực tiếp xác lập quan hệ hôn nhân phải tự đi đăng ký kết hôn.
Đăng ký kết hôn (Hình từ Internet)
Hướng dẫn thủ tục xin cấp bản sao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn như thế nào?
Căn cứ pháp lý: Luật Hôn nhân và gia đình 2014; Nghị định 23/2015/NĐ-CP; Nghị định 126/2014/NĐ-CP; Nghị định 123/2015/NĐ-CP.
1. Hồ sơ (01 bộ) gồm:
- Giấy tờ liên quan chứng minh việc đăng ký kết hôn;
- Chứng minh thư nhân dân.
2. Thẩm quyền cấp: UBND xã nơi đăng ký kết hôn
3. Thời hạn giải quyết: 01 ngày làm việc khi nhận đủ hồ sơ giấy tờ hợp lệ; Nếu tiếp nhận yêu cầu sau 15 giờ thì giải quyết xong trong ngày hôm sau.
4. Hình thức nộp đơn: Trực tiếp tại UBND cấp xã hoặc qua đường bưu điện
5. Trình tự thực hiện:
B1: Cá nhân chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật;
B2: Cá nhân nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa thuộc UBND cấp xã.
B3: Công chức tiếp nhận và kiểm tra tính pháp lý, nội dung hồ sơ:
- Nếu hồ sơ hợp lệ thì tiếp nhận;
- Nếu hồ sơ không hợp lệ thì hướng dẫn cá nhân hoàn thiện theo đúng quy định
B4: Công chức chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền giải quyết và trả kết quả
B5: Cá nhân nhận kết quả tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa thuộc UBND cấp xã
Thủ tục xin cấp bản sao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn được hướn dẫn gồm các bước như trên.
Người bị khuyết tật có được kết hôn không?
Tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định điều kiện kết hôn như sau:
(1) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
(2) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
(3) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
(4) Không thuộc các trường hợp cấm kết hôn sau đây:
- Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
- Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
- Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
- Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
Theo quy định trên, nếu khuyết tật ở dạng tâm thần, không làm chủ hành vi, mất năng lực hành vi dân sự thì sẽ không được kết hôn. Nhưng nếu khuyết tật dạng khiếm khuyết trên cơ thể thì người đó vẫn được kết hôn như người bình thường.
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo