Có được mang tài sản đi thế chấp không khi là thành viên của tổ hợp tác?
Thành viên tổ hợp tác có được thế chấp tài sản của mình không?
Theo Điều 317 Bộ luật dân sự 2015 có quy định thế chấp tài sản:
1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).
2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.
Tại Điều 22 Nghị định 77/2019/NĐ-CP quy định tài sản chung của các thành viên tổ hợp tác, tài chính của tổ hợp tác:
1. Tài sản chung của các thành viên tổ hợp tác hình thành từ các nguồn:
a) Đóng góp của thành viên tổ hợp tác bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản;
b) Phần được trích từ hoa lợi, lợi tức sau thuế;
c) Các thành viên tổ hợp tác cùng tạo lập;
d) Hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước hoặc các cá nhân, tổ chức khác tài trợ, tặng, cho chung;
đ) Các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
2. Việc định đoạt tài sản, tài chính của tổ hợp tác do các thành viên tổ hợp tác quyết định theo quy định tại Điều 21 Nghị định này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Trường hợp tổ hợp tác được Nhà nước, cá nhân, tổ chức khác trao quyền hưởng dụng tài sản thì thực hiện quyền hưởng dụng theo quy định từ Điều 257 đến Điều 266 Bộ luật dân sự.
4. Tổ hợp tác thực hiện các quy định về tài chính, kế toán theo quy định của pháp luật.
Căn cứ khoản 2 Điều 506 Bộ luật dân sự 2015 quy định về tài sản chung của các thành viên hợp tác, như sau:
1. Tài sản do các thành viên đóng góp, cùng tạo lập và tài sản khác theo quy định của pháp luật là tài sản chung theo phần của các thành viên hợp tác.
Trường hợp có thỏa thuận về góp tiền mà thành viên hợp tác chậm thực hiện thì phải có trách nhiệm trả lãi đối với phần tiền chậm trả theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật này và phải bồi thường thiệt hại.
2. Việc định đoạt tài sản là quyền sử dụng đất, nhà, xưởng sản xuất, tư liệu sản xuất khác phải có thỏa thuận bằng văn bản của tất cả các thành viên; việc định đoạt tài sản khác do đại diện của các thành viên quyết định, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Không được phân chia tài sản chung trước khi chấm dứt hợp đồng hợp tác, trừ trường hợp tất cả các thành viên hợp tác có thỏa thuận.
Việc phân chia tài sản chung quy định tại khoản này không làm thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ được xác lập, thực hiện trước thời điểm tài sản được phân chia.
Căn cứ Điều 21 Nghị định 77/2019/NĐ-CP quy định biểu quyết trong tổ hợp tác, theo đó:
1. Việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng hợp tác phải được sự tán thành của một trăm phần trăm (100%) thành viên tổ hợp tác và thể hiện bằng văn bản, trừ trường hợp hợp đồng hợp tác có quy định khác.
2. Việc định đoạt tài sản chung của các thành viên tổ hợp tác là quyền sử dụng đất, nhà, xưởng sản xuất, tư liệu sản xuất chính khác; tài sản có giá trị lớn hơn năm mươi phần trăm (50%) tổng số giá trị tài sản chung của các thành viên tổ hợp tác phải được sự tán thành của một trăm phần trăm (100%) thành viên tổ hợp tác và thể hiện bằng văn bản, trừ trường hợp hợp đồng hợp tác có quy định khác.
3. Các nội dung khác không thuộc quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này được thông qua khi có ít nhất hơn năm mươi phần trăm (50%) tổng số thành viên tổ hợp tác tán thành, trừ trường hợp hợp đồng hợp tác quy định khác.
Theo đó, thành viên tổ hợp tác có quyền thực hiện thế chấp đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của mình nhưng phải được sự tán thành của một trăm phần trăm thành viên tổ hợp tác và thể hiện bằng văn bản, trừ trường hợp hợp đồng hợp tác có quy định khác.
Thế chấp tài sản (Hình từ Internet)
Xác minh phần đóng góp trong tổ hợp tác như thế nào?
Tại Điều 25 Nghị định 77/2019/NĐ-CP quy định việc xác minh phần đóng góp như sau:
1. Tổ hợp tác lập sổ ghi chép rõ ràng, minh bạch về việc đóng góp của thành viên tổ hợp tác, bao gồm các nội dung sau:
a) Tên, số định danh cá nhân (hoặc số chứng minh nhân dân, số thẻ căn cước công dân) của thành viên đóng góp hoặc tên, mã số pháp nhân, địa chỉ trụ sở chính của pháp nhân và tên, số định danh cá nhân (hoặc số chứng minh nhân dân, số thẻ căn cước công dân) của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân đóng góp;
b) Giá trị phần đóng góp và loại tài sản đóng góp của thành viên tổ hợp tác;
c) Thời điểm đóng góp;
d) Chữ ký của người đóng góp hoặc đại diện theo pháp luật của pháp nhân;
đ) Chữ ký của tổ trưởng tổ hợp tác (hoặc người được các thành viên tổ hợp tác ủy quyền) và thành viên tổ hợp tác được phân công nhiệm vụ tiếp nhận phần đóng góp.
2. Sổ ghi chép về việc đóng góp của thành viên tổ hợp tác phải được tổ trưởng tổ hợp tác (hoặc người được các thành viên tổ hợp tác ủy quyền) lưu giữ, bảo quản và chịu trách nhiệm trước tổ hợp tác, pháp luật nếu làm mất, tẩy xóa, sai lệch thông tin.
3. Thành viên tổ hợp tác được cấp “Giấy xác nhận phần đóng góp”, nếu cần thiết, với đầy đủ thông tin như trong sổ ghi chép của tổ hợp tác tại thời điểm đóng góp.
Với quy định này thì phần đóng góp của tổ hợp tác của từng cá nhân được xác minh theo cơ sở nêu trên.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài