Trưởng thôn và vấn đề họp dân

Từ lâu đã có dự định xây cầu bắc qua con suối nhỏ đi qua địa phận thôn Gianh nên chính quyền xã đã quyết định hỗ trợ cho dân trong thôn 40% kinh phí, số còn lại dự định huy động dân đóng góp. Theo kế hoạch đã thống nhất với Đảng uỷ và chính quyền xã, ông Khải - Trưởng thôn về triệu tập họp dân để phổ biến và bàn bạc mức đóng góp phân bổ theo đầu người của mỗi hộ. Tuy đã thông báo trên loa đài và niêm yết công khai, nhưng đến đúng ngày ấn định họp, số hộ dân trong thôn đến rất ít, chỉ được khoảng đại diện 30 hộ, trong khi số hộ dân trong diện được mời họp là 120. Do đó, Trưởng thôn và Bí thư chi bộ thôn đã thống nhất quyết định hoãn cuộc họp để chuyển sang tuần sau. Đến buổi họp sau đó, số người đại diện cho các hộ đến đông hơn: đại diện của 65 trên tổng số 120 hộ. Trưởng thôn và Bí thư chi bộ quyết định tiến hành cuộc họp rồi cho biểu quyết thông qua việc xây cầu và mức đóng góp (mỗi hộ 120.000 đồng). Kết quả chỉ có 30/65 đại diện hộ biểu quyết tán thành, đạt tỷ lệ tán thành là 46%. Với những tình huống tương tự như trên, Trưởng thôn cần làm thế nào để việc tổ chức cuộc họp dân có hiệu quả, thu hút sự tham gia của nhân dân?

Tình huống trên liên quan đến vấn đề họp dân - một hoạt động vừa có tính pháp lý (được quy định trong Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn) vừa chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố tâm lý, tập quán sinh hoạt của dân cư (liên quan đến việc tổ chức triệu tập họp dân thế nào cho hiệu quả).

Các khía cạnh pháp lý của việc tổ chức họp dân

- Việc quyết định xây cầu và mức huy động đóng góp của dân trong thôn là loại việc nhất thiết phải tổ chức họp dân, trên cơ sở có sự đồng tình của dân mới được tổ chức triển khai (theo quy định tại Điều 10 Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn). Do đó, có thể thấy trong tình huống này, việc Trưởng thôn tổ chức họp dân như trên là đúng quy định pháp luật.

Theo nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN ngày 17/04/2008, cuộc họp thôn chỉ được tiến hành nếu có trên 50% số đại biểu được mời đến tham dự. Như vậy, việc hoãn họp thôn lần thứ nhất của lãnh đạo thôn là đúng vì chỉ có 30/120 đại diện hộ gia đình trong thôn (30% số đại biểu được mời tham dự) là đúng. Và cuộc họp lần thứ hai với sự tham dự của 65/120 đại biểu (chiếm hơn 50% số đại biểu được mời tham dự) được coi là cuộc họp hợp pháp.

Cách xử lý khi số người dự họp biểu quyết tán thành việc xây cầu chỉ đạt 46%

Trong cuộc họp lần thứ hai, do số đại diện các hộ gia đình biểu quyết tán thành việc xây cầu và mức đóng góp của dân không đạt 50% nên không thể coi chủ trương này đã được nhân dân nhất trí. Giải pháp có thể vận dụng để xử lý trong trường hợp này là: Theo hướng dẫn tại nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN ngày 17/04/2008thì trong trường hợp họp dân mà kết quả biểu quyết hay bỏ phiếu không đạt 50% cử tri của thôn, Trưởng thôn và đại diện chính quyền xã có thể tổ chức họp lại, nếu họp lại vẫn không đạt 50% phiếu bầu của cử tri thì thực hiện biện pháp bổ sung là phát phiếu lấy ý kiến đến các hộ dân còn lại (trong diện được mời họp nhưng không tham dự buổi họp hôm ấy). Kết quả phát phiếu lấy ý kiến được tổng hợp cùng với kết quả biểu quyết của buổi họp dân. Nếu kết quả cuối cùng đạt hơn 50% số người tán thành trên tổng số người được mời họp và phát phiếu lấy ý kiến thì có thể lập biên bản về việc nhân dân tán thành chủ trương này để gửi lên chính quyền xã phê duyệt. Với phương án này, Trưởng thôn có thể sử dụng hình thức phát phiếu bổ sung vào hình thức họp dân. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, việc lấy ý kiến qua phiếu phải tổ chức ngay sau khi họp và phiếu phát ra phải có chữ ký của Trưởng thôn.

Cách tổ chức để buổi họp dân đạt hiệu quả

Về thời điểm tổ chức họp dân: Trưởng thôn cần cân nhắc lựa chọn thời điểm phù hợp với điều kiện của thôn: ví dụ: tránh các dịp mùa vụ bận rộn; tránh vào mùa mưa bão v.v... Nếu thôn ở địa bàn miền núi, có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cần chú ý: tổ chức họp thôn tại nhà Già làng, Trưởng bản v.v... Để động viên nhân dân tham gia, trước hết cần chú ý khuyến khích sự tham gia của các nhân vật có uy tín trong cộng đồng như Trưởng tộc, Già làng. Cũng có thể tận dụng các dịp sinh hoạt chung của đồng bào (ví dụ: nghe kể chuyện, lễ hội v.v...) để tổ chức họp dân và đưa vấn đề ra thông báo, thảo luận.

Để tăng cường tính thuyết phục của chủ trương, trước khi đưa ra toàn dân thảo luận thì cần tuyên truyền trong phạm vi các đoàn thể (ví dụ: trong Chi hội Phụ nữ, Chi đoàn Thanh niên). Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trước khi đưa ra công khai họp dân cần vận động thuyết phục những nhân vật chủ chốt trong cộng đồng như Già làng, Trưởng tộc và một số người có uy tín trong dân như những người thạo nghề thuốc, làm nghề tôn giáo trong dân v.v... bởi họ rất được tín nhiệm trong cộng đồng, tiếng nói của họ có sức mạnh thuyết phục đối với người dân.

 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào